Chuyên gia hiến kế để DN bất động sản vượt khó

(PLO)-  Các chuyên gia dự đoán phải đến quý II-2023 bất động sản mới khởi sắc trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia trong ngành bất động sản (BĐS) nhận định cuối năm và quý I-2023, thị trường vẫn còn khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động xoay chuyển tình hình, áp dụng công nghệ, linh hoạt chiết khấu thanh toán, đa dạng kênh gọi vốn và tập trung các dự án chiến lược… để vượt qua giai đoạn thanh lọc thị trường hiện nay.

Ông VÕ HỒNG THẮNG, Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Group:

Bốn giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản

Có thể thấy từ giữa tháng 10-2022, một số DN thuộc hàng tốp đầu trong nước tại TP.HCM đã thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự. Tùy từng DN, mức cắt giảm 50%-70% số lượng nhân sự hiện có. Bên cạnh đó, họ cũng tiến hành điều chỉnh lương nhân sự ở lại với mức giảm 15%-30%. Đồng thời, DN cũng cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn và đa nhiệm, thu gọn văn phòng để cắt giảm chi phí.

Theo tôi, hiện nay DN BĐS cần lưu ý bốn giải pháp. Thứ nhất, áp dụng công nghệ vào công tác quản lý, bán hàng giúp cắt giảm chi phí đầu vào. Thứ hai là đa dạng hóa các kênh huy động vốn, trong đó chú trọng kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Dự báo thị trường sẽ khởi sắc hơn từ quý II-2023. Ảnh minh họa: K.CƯỜNG

Dự báo thị trường sẽ khởi sắc hơn từ quý II-2023. Ảnh minh họa: K.CƯỜNG

Thứ ba, linh hoạt áp dụng các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh nhằm đảm bảo dòng tiền. Cuối cùng là tập trung phát triển những dự án chiến lược, đã hoàn thiện pháp lý, tránh việc đầu tư dàn trải như trước.

Thị trường hiện tại vẫn còn khó khăn nhưng không phải không có điểm sáng. Đơn cử như gói kích thích kinh tế 350.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 114.000 tỉ đồng phục vụ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực kết nối vùng, tiền đề cho sự phát triển của thị trường BĐS.

Khả năng nới room tín dụng do mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10-2022 đạt 11,5%, vẫn dưới mức 14% theo định hướng Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm.

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam:

Đẩy nhanh tiến độ sửa luật

Để thị trường BĐS không bị tổn thương, tránh đổ vỡ, tiếp tục duy trì và phát triển bền vững, các DN phải hoạt động đúng hướng, ổn định, người mua nhà hưởng lợi thì trước hết cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa luật, nội dung sửa cần bám sát thực tế. Nếu còn vướng mắc thì còn phải sửa, không nên vội vã phê duyệt, nhất là Luật Đất đai.

Trong quá trình chờ sửa luật, Chính phủ có thể xem xét ban hành một số cơ chế đặc biệt (kiểu như Nghị quyết 02/NQ-CP/2013) để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong công tác xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư.

Thứ hai, ngân hàng nên nới room tín dụng cho lĩnh vực BĐS khoảng 1%-2%; hỗ trợ các DN vượt khó, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia.

Ngân hàng chỉ cần kiểm soát tốt dòng tiền để nó chảy đúng đối tượng, đúng mục đích, dành nguồn vốn tín dụng áp dụng riêng cho các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội... Gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022 cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có BĐS, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện pháp lý, dự án nhà ở xã hội.

Các DN nên cân nhắc điều chỉnh chính sách phát triển phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực của đại chúng để cân bằng thị trường, phát sinh giao dịch giúp thị trường sôi động trở lại.

TS PHẠM ANH KHÔI, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính BĐS Đất Xanh (Tập đoàn Đất Xanh):

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án

“Thanh lọc” là từ mà nhiều người dùng để nói về thị trường trong thời gian qua. Những DN, người làm môi giới hay ngay cả khách hàng đều đang xây dựng những chiến lược riêng để thích ứng, cùng tồn tại. Trong bối cảnh này, Nhà nước cần đẩy nhanh tiến trình sửa đổi luật theo hướng phù hợp với tình hình thực tế để nhanh chóng đi vào triển khai, sớm tạo ra hành lang pháp lý, môi trường minh bạch cho các hoạt động BĐS. Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án, xây dựng cơ chế theo hướng mở, phù hợp với tình hình hiện nay cũng là công tác cần được coi trọng.

Đề xuất triển khai song song công tác thanh tra với việc triển khai các chính sách phát triển nhà ở xã hội nhằm cân bằng nguồn cung, giá cả. Bên cạnh đó cần xây dựng giải pháp mở rộng, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường.

Luật sư TRẦN MINH CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần chiến lược kinh doanh trong thời kỳ mới

Các DN cần rà soát toàn bộ dự án để có chiến lược kinh doanh trong thời kỳ mới, phù hợp sau một giai đoạn phát triển nóng. DN cần có chiến lược mở bán các dự án vào thời điểm thích hợp khi thị trường ấm hơn.

Đối với các khó khăn về pháp lý, hiện nay Thủ tướng đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các DN BĐS. Các DN cần chủ động rà soát, có báo cáo - kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, TP cùng với sở, ngành cần xem xét giải quyết dứt điểm các khó khăn cho DN.

Với các chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước, dự kiến bắt đầu từ quý II-2023 thị trường sẽ có những thay đổi tích cực.

Tỉ lệ hấp thụ quý III-2022 chỉ đạt 33,5%

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm. Sang năm 2019 giảm còn gần 110.000 sản phẩm; năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm; năm 2021 cực kỳ khó khăn do nhiều yếu tố, trong đó có đại dịch nên tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm.

Thống kê của VARS chín tháng năm 2022 cho thấy nguồn cung có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỉ lệ hấp thụ trong quý III-2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm