Có 2.186 tỉ đồng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang tăng tốc

Chiều 4-12, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết tại buổi họp báo về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tỉnh đã nhận được nguồn vốn ngân sách 2.186 tỉ đồng từ ngân sách hỗ trợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.  

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, phát biểu tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn cho biết từ ngày Bộ GTVT chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tỉnh Tiền Giang đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong thời gian rất ngắn nhưng tỉnh và doanh nghiệp dự án rất nỗ lực giải quyết xong về thủ tục pháp lý, vấn đề thứ hai rất quan trọng đó là vốn.

Theo ông Tuấn, hiện nay Tiền Giang đã nhận được vốn ngân sách 2.186 tỉ đồng hỗ trợ từ trung ương và tỉnh đã phân bổ vốn ngay cho doanh nghiệp dự án, hoàn trả lại kinh phí mà doanh nghiệp dự án đã ứng trước đây.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết việc sắp tới là tập trung cho triển khai thi công dự án, địa phương và doanh nghiệp dự án rất nỗ lực quyết tâm đảm bảo dự án sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, ngoài nguồn vốn ngân sách đã được hỗ trợ thì vốn tín dụng vẫn còn là nút thắt chưa giải quyết xong.

Tăng tốc thi công trên công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

“Về phía tỉnh, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dự án sẽ tiếp tục mời các ngân hàng làm việc, một mặt sẽ báo cáo những vướng mắc này đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, đồng thời chủ động mời các ngân hàng làm việc tiếp để còn những vấn đề nào vướng mắc để tháo gỡ mới đảm bảo vốn tín dung cho dự án trong thời gian tới” - ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết mặc dù nguồn vốn Chính phủ chưa bố trí cho dự án nhưng tất cả nhà thầu tổ chức thi công kết quả tiến độ đạt 27% (tăng 17% trong thời gian sáu tháng so với một thập kỷ trước chỉ đạt 10%), sản lượng đạt hơn 1.700 tỉ đồng.  

“Tới thời điểm này, vốn ngân sách đã về tới dự án, đây là nguồn vốn cần thiết và rất đúng lúc đối với chúng tôi. Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công ba ca, không nghỉ ngày lễ, tết. Và ngay trong đầu tháng 12 này chúng tôi tăng cường tập trung tất cả các thiết bị, máy móc, huy động tối đa nguồn lực, vật lực để thi công công trình nhằm đảm bảo tiến độ dự án” - ông Đông cho biết.  

Công nhân sẽ thi công ngày đêm trên công trường vào thời gian tới đảm bảo kịp tiến độ dự án.

Cũng theo phía Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, việc nguồn vốn ngân sách nhà nước được cấp về trong thời gian này như tiếp thêm lửa, thêm động lực để nhà đầu tư và các nhà thầu, cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng tốc dự án về đích thông tuyến vào tháng 12-2020. Thế nhưng để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng vào 30-4-2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay tín dụng từ các ngân hàng.    

Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết theo phương án tài chính được duyệt, các tổ chức tín dụng sẽ tham gia tài trợ vốn 6.668 tỉ đồng cho dự án. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù các ngân hàng hợp vốn đã có báo cáo thẩm định chung nhưng đến nay các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án vẫn đang xem xét và cân nhắc một số nội dung trong quy trình thẩm định. Vì thế vẫn chưa xác định được thời gian ký kết hợp đồng tín dụng để làm cơ sở giải ngân nguồn vốn này.

Thi công trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

“Trường hợp quan điểm hợp vốn của các ngân hàng tài trợ vướng mắc kéo dài, không thể tài trợ vốn cho dự án thì các ngân hàng nên có thông báo chính thức đến nhà đầu tư và tỉnh Tiền Giang. Sau đó nhà đầu tư báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chủ động có kế hoạch huy động nguồn vốn khác để thực hiện dự án” - ông Thế nêu ý kiến.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết toàn tuyến có 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này. Tỉnh đã ứng ngân sách địa phương 278,35 tỉ đồng để chi trả đền bù cho các hộ dân. Tổng mức đầu tư tiểu dự án để giải phóng mặt bằng là 1.776 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành việc giải phóng và bàn giao mặt bằng sạch trên tuyến chính dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho doanh nghiệp tổ chức thi công.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài  51,1 km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Tổng mức đầu tư là 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay là 10.482 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm