Có được đòi nợ trước hạn vì con nợ ly hôn?

Tuy nhiên, gặp trường hợp vợ chồng con nợ ly hôn, chủ nợ có được đòi nợ trước hạn để bảo toàn số nợ hay không?

Theo hồ sơ, năm 2005, chị NTT cho vợ chồng em gái mượn 500 triệu đồng không lãi suất để họ mua đất làm nhà, thời hạn trả nợ là năm 2015.

Xin tham gia tố tụng, tòa từ chối

Đầu năm nay, em rể của chị T. đã nộp đơn ra TAND một quận ở TP.HCM đòi ly hôn và phân chia tài sản. Nghe tin, chị T. lập tức đến tòa đề nghị được tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này và yêu cầu tòa buộc vợ chồng em gái phải trả nợ cho chị trước kỳ hạn. Theo chị T., trước đây cả hai vợ chồng  em gái cùng đứng tên trên giấy nợ. Nay họ ly hôn rồi thì mỗi người một nơi, chị e rằng đến năm 2015, món nợ này sẽ khó có khả năng thu hồi.

Tuy nhiên, tòa đã từ chối, trả lại đơn yêu cầu của chị T. vì cho rằng chưa đủ điều kiện khởi kiện (điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS). Theo tòa, món nợ trên chưa đến thời hạn phải trả nợ, mặt khác vợ chồng em gái chị T. cũng không có yêu cầu tòa giải quyết về món nợ trên trong vụ án ly hôn của họ nên tòa không chấp nhận cho chị T. tham gia tố tụng.

Có được đòi nợ trước hạn vì con nợ ly hôn? ảnh 1

Đòi nợ trước hạn được không?

Vụ việc trên đặt ra những vấn đề pháp lý khá thú vị: Gặp trường hợp tương tự, chủ nợ có được yêu cầu vợ chồng con nợ thanh toán trước hạn hay không? Tòa có phải đưa chủ nợ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ ly hôn của vợ chồng con nợ?

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp luật và nhận được những ý kiến khác nhau.

Theo luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM), chủ nợ hoàn toàn có thể đòi nợ trước hạn để đảm bảo khoản cho vay của mình được an toàn. Bởi lẽ chưa đến thời hạn trả nợ, vợ chồng con nợ đã dẫn nhau ra tòa ly hôn thì có cơ sở để cho rằng nghĩa vụ liên đới trả nợ sau này của họ có thể không thực hiện được. Do đó, khi chủ nợ yêu cầu, tòa phải đưa chủ nợ vào tham gia tố tụng trong vụ ly hôn của vợ chồng con nợ với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Trước hết, chủ nợ phải tạo ra “sự kiện tranh chấp”. Chẳng hạn, chủ nợ có thể gửi thông báo đến cho vợ chồng con nợ yêu cầu thanh toán trước hạn. Nếu không được, lúc đó chủ nợ mới yêu cầu tòa cho tham gia tố tụng và giải quyết khoản nợ này trong vụ ly hôn của vợ chồng con nợ.

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì chỉ đồng tình với việc tòa phải chấp nhận tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của chủ nợ và đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ ly hôn của vợ chồng con nợ. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ nợ, tòa sẽ quyết định cụ thể là món nợ đó được trả như thế nào, mỗi bên vợ hoặc chồng sau khi ly hôn có nghĩa vụ ra sao…

Riêng về vấn đề chủ nợ có được đòi nợ trước hạn được hay không, luật sư Đức khẳng định là không nếu bên vay không đồng ý. Theo ông, BLDS đã có quy định rất rõ rằng đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn nếu được bên vay đồng ý.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM cũng nhận định: Khi nợ đến hạn mà không đòi được, chủ nợ hoàn toàn có thể khởi kiện vợ chồng con nợ, nếu lúc đó họ đã ly hôn thì cũng không ảnh hưởng gì đến nghĩa vụ liên đới trả nợ của họ.

Quy định liên quan

Theo khoản 3 Điều 473 BLDS, bên cho vay không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 478 BLDS. Trong khi đó, khoản 1 Điều 478 BLDS quy định đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn nếu được bên vay đồng ý. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thỏa thuận khác.

Được đòi nợ trước hạn

Việc đòi nợ trước hạn chỉ cần phải được báo trước một thời gian hợp lý. Khi đã thông báo trước mà không có sự thỏa thuận giữa các bên về món nợ trên thì chị T. hoàn toàn có yêu cầu tòa giải quyết phần nợ của vợ chồng em gái ngay trong vụ kiện ly hôn.

Luật sư LÂM QUANG QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Hợp lý

Sau khi ly hôn, tài sản đã được vợ chồng em gái phân chia thì việc chị T. muốn yêu cầu hai bên cùng trả nợ cho chị là rất khó. Rõ ràng đến lúc đó, quyền lợi của chị T. có thể bị ảnh hưởng. Hơn nữa, theo khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng do họ thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Vì thế chị T. hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa giải quyết số nợ của chị ngay trong bản án ly hôn của họ.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm