Cổ kim công tử: Công tử dỏm và cuộc thanh toán đẫm máu vì gái

Nhưng do việc chưa hoàn toàn kiểm soát được công cuộc cai trị nên các viên chức trong bộ máy chính quyền thời Diệm hơi rụt rè, không dám lộ diện ăn chơi, hưởng lạc. Con cái họ, cũng tránh việc gia đình bị dòm ngó, cũng phải tự khép mình. Ấy vậy  mà năm 1959 cũng xảy ra một vụ đụng độ. Vì người thân của những nhân vật trong câu chuyện vẫn còn sống ở Pháp và Mỹ nên mạn phép cho chúng tôi giấu tên tuổi của họ.

Để tránh việc bị lộ diện ăn chơi nên các công tử được khuyến cáo chỉ được rong chơi ở nơi nào thật xa thành phố Sài Gòn. Cậu quý tử X. Sau khi vào Chợ Lớn ăn chơi, bèn kéo cô đào ruột là cave đẹp nhất Tiểu Hồng Kông ra Vũng Tàu chơi. Vừa ra đến nơi, nghe nói có "cậu Y." con một bộ trưởng quan trọng cũng đang có mặt, X. buông một câu: "Thằng nhà quê! Gần nó, hôi mùi sình…" rồi kéo cô bồ lên xe chạy đi Đà Lạt chơi.

Nghe đám bồi thuật lại, Y. tức khí cũng kéo 2 gã du đãng chuyên đi theo làm vệ sĩ lên chiếc xe hơi 8 máy lên đường đuổi theo. Lên đến Đà Lạt, cả bọn của Y. lùng sục các nơi ăn chơi sa đọa. Mục đích của Y. cũng chỉ để "hỏi cho ra lẽ". Nhưng 2 tên du đãng đi theo Y. không hiểu ý chủ nên khi bắt gặp X. ở sàn nhảy duy nhất (tất nhiên là hoạt động bất hợp pháp) tại Đà Lạt, chúng túm cổ nện cho một trận ra trò. Y. từ khách sạn nghe báo tin đã tìm được kẻ địch vội chạy đến.

Tới nơi nhìn thấy X. te tua như một nùi giẻ rách, Y. chỉ kịp than trời và lập tức hạ lệnh cuốn gói về Sài Gòn. X. vừa đau vừa hận vội chạy vào gặp phó tỉnh trưởng nội an mượn khẩu súng ngắn với lý do "đi đường sợ cướp". Không nghi ngờ gì, viên chức mẫn cán này lập tức hạ lệnh cho bên cảnh sát cấp cho X. mượn khẩu ruleau nòng trung, trả sau - ngoài sổ sách. Lập tức X. bỏ lại cô đào ruột một mình ở khách sạn, phóng xe đuổi theo.

Cổ kim công tử: Công tử dỏm và cuộc thanh toán đẫm máu vì gái ảnh 1

Đèo Prenn

Trong khi đó, Y. và 2 tên đệ tử dừng lại đổ xăng, uống cà phê ở chợ Đà Lạt khá lâu mới lên đường. Bắt kịp địch thủ ngay giữa đèo Pren, X. nhắm vào xe bắn sạch 6 viên đạn. Một viên oan nghiệt găm ngay vào gáy Y. khiến Y. gần như chết ngay. Chiếc xe lủi vào một tảng đá và dừng lại sát mép vực. Nhưng X. chưa kịp mừng đã lạc tay lái, xe bay luôn xuống vực, gãy cổ chết ngay sau vô lăng. Sự việc vỡ lở và có lệnh điều tra.

Tuy nhiên, vì cha đẻ đã từng lập được nhiều đại công, nhất là vụ trừ khử Ba Cụt-Hòa Hảo tại miền Tây và cũng là một "nhân sĩ", nên vụ việc đành xử lý theo cách chìm xuồng. Trừ việc vị bộ trưởng đột nhiên phải "cáo lão quy điền", chẳng có thông tin nào hé lộ ra ngoài. Mà báo chí có biết, cũng đố bảo dám đưa tin…

Bắt đầu của việc quậy của các công tử con nhà thế gia có lẽ rộ lên từ những năm 64-65. Đảo chánh 1/11/1963 lật đổ Diệm-Nhu thành công dẫn đến việc tranh quyền đoạt vị của các sĩ quan cấp cao quân đội Sài Gòn khiến việc giáo dục chăm sóc con cái của họ trở thành chuyện không thể.

Con em các vị tướng tá đang nắm binh quyền quậy làng phá xóm làm những chuyện hết sức ngông cuồng, và tranh danh tiếng hão đã trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh toàn cảnh bát nháo của xã hội lúc bấy giờ.

Nổi danh nhất là "đại công tử" Nguyễn Viết Cần - em ruột tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh vùng 4 chiến thuật. Để vinh thân phì gia, Cần cũng chọn con đường binh nghiệp như anh và vẫn cứ là một công tử thiếu gia dù đã đóng đến lon thiếu tá dưới sự che chở của viên thiếu tướng tư lệnh vùng là bào huynh. Hàng đêm, tụ tập cả chục "con nhà gia thế" cả sĩ quan lẫn dân sự, Cần tha hồ rong chơi quậy phá, đốt tiền qua cửa sổ ở các vũ trường và các tụ điểm ăn chơi đầy rẫy ở Sài Gòn.

Lúc đó ngoài cánh sĩ quan, con nhà thế gia và Mỹ, mấy ai dư tiền của để đêm nào cũng ăn chơi trác táng. Thế là một hôm đẹp trời, Cần và tùy tùng vào vũ trường Tháp Ngà ăn chơi. Đụng độ bởi một cô đào xinh đẹp bậc nhất của vũ trường, với nhóm sĩ quan Mỹ, Cần buông lời thách thức.

Cuộc đấu súng tay đôi kiểu Texas, giữa Cần và tên trung úy Mỹ vô địch tác xạ quân đội viễn chinh đã kết thúc bằng việc Cần bắn trộm tên này chết tươi. Cả hai bên bắn nhau loạn xạ. Sự việc nghiêm trọng này, do yếu tố chính trị của "tình đồng minh Mỹ-Việt" đành phải xử chìm xuồng. Sau khi tướng Thanh tử nạn trực thăng, cuộc đời Cần xuống dốc vì thiếu người đỡ đầu.

Cổ kim công tử: Công tử dỏm và cuộc thanh toán đẫm máu vì gái ảnh 2

Đèo Prenn - nơi xảy ra vụ thanh toán đẫm máu của các công tử 

Nhưng nổi tiếng nhất trong giới "công tử" con quan, có thể kể đến Cao Trí Dũng, con đại tướng Cao Văn Viên - Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Con đường hoạn lộ của Cao Văn Viên từ một đại tá lên đại tướng có thực quyền nắm quân đội trong tay, khá hanh thông. Vốn mang quân về lật Diệm và chứng kiến không ít cảnh "chỉnh lý" nội bộ của phe quân đội, Nguyễn Văn Thiệu cả đời không tin ai.

Cao Văn Viên chính là lựa chọn số một của Thiệu trong chức vụ đứng đầu quân đội, nhưng mọi chuyện đều khởi nguồn từ cậu công tử "con đại tướng" này. Khi vừa 16 tuổi, Dũng đã nổi danh ăn chơi quậy phá dù "nhát hơn thỏ đế". Dũng tụ tập con cái của các tướng tá thuộc quyền cha mình suốt ngày rong chơi sa đọa. Lúc đó ở Sài Gòn có 2 băng dân chơi mang tính hippy, pha chút du đãng là B.B (lấy theo tên cô đào Brigitte Bardot) và băng La mour (tình yêu).

Băng B.B đa số là nữ sinh con nhà giàu học ở trường Providence (Thiên Phước). Họ tụ tập và sống theo cách sa đọa nhưng giải thích bằng chủ nghĩa hiện sinh nửa mùa. Nhờ triết lý "yêu cuồng sống vội" và "tình cho không, biếu không", băng này nhanh chóng được các công tử-thế gia nhiệt tình ủng hộ.

Ngoài việc ăn chơi, vung tiền qua cửa sổ ra, sau đó không lâu băng này chuyển biến mạnh từ việc ăn nhậu đã thành nghiện ngập heroin và sử dụng LSD (thuốc gây ảo giác trích xuất từ nấm độc của dân da đỏ). Băng B.B tàn lụi dần. Băng thứ 2 xuất hiện cùng thời nhưng sống dai hơn vì thành phần tham gia "nghèo hơn". Nhưng đến gần cuối cuộc chiến, băng này cũng trở thành băng nhóm tội phạm và nghiện ngập.

Điều đáng nói là cả 2 băng đều có chung một công tử "chủ tịch danh dự"… đó chính là Cao Trí Dũng! Buổi sáng thức dậy, Dũng ngự lên xe đi cùng 2 cận vệ võ công kinh người, bắn súng 2 tay, lên Rex uống cà phê. Tụ tập đông đủ, "đại ca Dũng" phát hiệu lệnh sau một cái búng tay, cả bọn bắt đầu ăn chơi cho đến gần 21 giờ đêm. Và lúc đó chương trình chính mới thực sự bắt đầu.

Dũng tổ chức những buổi party, thời bấy giờ khó mà tưởng tượng nổi về mức độ trụy lạc, sa đọa… và chưa hẳn sẽ chấm dứt khi trời hửng sáng nếu chưa… đã! Lịch hàng ngày của Dũng đột ngột chấm dứt vào một buổi sáng đầu năm 1975. Khi người nhà phát hiện công tử nằm chết còng queo trên nệm, miệng sùi bọt, tay chân co quắp, thì đã quá muộn… Biên bản khám nghiệm tử thi của Sở Giảo nghiệm ghi vắn tắt: "Trúng gió" để che giấu việc sử dụng ma túy quá liều của quý tử ngài đại tướng tổng tham mưu trưởng.

Hài hước nhất có lẽ là câu chuyện về công tử nhất đại thế gia Trần Thiện Mạng. Xuất thân từ vùng chợ Xã Tài, Trần Thiện Mạng một hôm phát hiện ra uy thế của cái họ tên đặc biệt cha mẹ đặt cho mình. Cảnh sát ruồng bắt quân dịch, khi xét tới giấy tờ, đặc biệt là thẻ kiểm tra và lược giải cá nhân của Trần Thiện Mạng, đọc tới quê quán Châu Thành-Long An, viên đại úy bất giác biến sắc và để cho Mạng đi không quên xun xoe chào hỏi.

Ngạc nhiên, Mạng tìm hiểu và khi vỡ lẽ, Mạng quyết sử dụng đến "gia thế lừng lẫy" của mình. Thoạt kỳ thủy, bằng lời lẽ mập mờ, viên chức và những thế gia địa phương nơi Mạng sinh sống đều sợ một phép "cậu Tám Mạng". Chẳng những vậy, người lui tới nhà "cậu Tám" càng lúc càng đông. Kẻ thì nhờ vả xin chân quận trưởng vùng an ninh, người lo trúng thầu cung cấp quân nhu cho sư đoàn, quân đoàn nào đó. Thậm chí có kẻ cả gan xin chân giám đốc phi cảng của Trần Thiện Khởi, em ruột đại tướng, đương kim Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.

Tất cả đều được nhận lời với giá cả phải chăng. Thành thực mà nói, Mạng giúp được. Cũng dễ thôi…Mạng lấy danh nghĩa "em út thủ tướng" nhờ cấp lớn hơn giúp cấp nhỏ hơn và cấp nhỏ hơn giúp cấp nhỏ hơn nữa! Còn những "con cá quá lớn", Mạng sử dụng chiến thuật câu giờ. Gã làm ăn lôm côm, nghèo rớt mồng tơi năm nào đã trở thành một công tử quyền lực nhất nhì miền Nam và tất nhiên, giàu nứt đố đổ vách.

Một ngày đầu hạ, một trung tá đệ tử ruột của đại tá Phạm Kim Quy - phụ tá Tư lệnh kiêm Trưởng khối tư pháp, thỏ thẻ tâm sự với thầy. Phạm Kim Quy hết sức ngạc nhiên, vì mối giao tình với Trần Thiện Khiêm đủ để cho Quy biết ngài thủ tướng chẳng có đứa em thứ 8 nào tên Mạng cả. Không thể tùy tiện ra lệnh điều tra khi chưa xác quyết, Quy gọi em ruột là Phạm Kim Tài đang là xã trưởng Phú Nhuận (là xã phát triển, chưa thành lập quận) lên phối hợp với Phạm Kim Tấn - Chỉ huy lực lượng An ninh cảnh lực (cũng là em ruột Phạm Kim Quy) để bí mật tìm hiểu.

Sau khi đã rõ mười mươi, Trần Thiện Mạng bị thộp cổ trong một bữa tiệc mà chủ xị là người chức tước còn lớn hơn cả đại tá Phạm Kim Quy. Đặc biệt khi thụ lý vụ án và đề nghị khởi tố, số đơn thưa Mạng lừa đảo chỉ gói gọn chưa đến 20 nạn nhân và số tiền được xem là lừa đảo không nhiều hơn tiền xây nhà tắm của "cậu Tám Mạng". Những con nai cỡ lớn đã ngậm bồ hòn không dám thưa gởi vì…nhục!

Tội của công tử dỏm Trần Thiện Mạng không lớn và không thể công khai toàn bộ nếu không muốn vô tình xúc phạm đương kim thủ tướng nên rốt cuộc-án xử nhẹ hều. Mạng trở về, tài sản còn kếch xù nhưng chưa kịp hưởng đã bị tóm cổ tống đi quân dịch. Chẳng rõ khi lên đến quân trường Quang Trung mà chỉ huy trưởng là thiếu tướng Trần Bá Di, cũng từng là một nạn nhân của Mạng, gã có hoàn tất xong khóa học quân sự 3 tháng đơn giản đó không nữa.

Theo Song Minh (Cảnh sát toàn cầu tuần số 60)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm