Có nên nhận chìm 200.000 m3 vật chất xuống biển Đà Nẵng? - Bài 1

Có nên nhận chìm 200.000 m3 vật chất xuống biển Đà Nẵng?

LTS: Theo kế hoạch, khi nạo vét luồng biển vào cảng Tiên Sa sẽ tạo ra 200.000 m3 vật chất và được tính toán nhận chìm trên vùng biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn là hiện tại Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu thành cảng vận tải và chuyển dần cảng Tiên Sa thành cảng du lịch thì có nhất thiết để Bộ GTVT phải bỏ ra số tiền lớn để nạo vét luồng vào cảng? Các chuyên gia còn lo ngại vật chất sau nạo vét lại được nhận chìm trên biển, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển Đà Nẵng.

200.000 m3 là khối lượng vật chất dự kiến thu được từ việc nạo vét luồng hàng hải Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Những năm qua, cảng Tiên Sa không thể đón được các tàu có tải trọng và công suất theo đúng thiết kế tối đa của cảng. Ảnh: TẤN VIỆT

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Phạm Thị Chín, Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo Đà Nẵng, cho hay: UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) nghiên cứu, khảo sát và triển khai các thủ tục nhận chìm vật chất trên biển Đà Nẵng. Khối lượng vật chất đề xuất nhận chìm khoảng 200.000 m3 từ việc nạo vét luồng hàng hải vào cảng Tiên Sa.

Dự tính nhận chìm cách bờ 4 hải lý

Theo bà Phạm Thị Chín, các quy định hiện hành nêu rõ rằng khi chọn khu vực biển nào đó để nhận chìm thì phải làm đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nếu như kết quả ĐTM cho thấy không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh thì được phê duyệt. Sau đó, chủ đầu tư dự án làm báo cáo nhận chìm trình TP Đà Nẵng xem xét thông qua thì được nhận chìm.

“TP đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Vì biển mênh mông quá nên mình đồng ý cho cái vùng biển đó về mặt nguyên tắc thôi, chứ không phải đồng ý là cho đổ liền. Vùng biển mình chỉ cho Cục Hàng hải Việt Nam là vùng cách cảng Tiên Sa 4 hải lý, trên diện tích mặt nước 100 ha” - bà Chín cho hay.

Cũng theo bà Chín, trước đây, theo Nghị định 51/2014 của Chính phủ thì UBND cấp tỉnh chỉ được giao khu vực biển tới 3 hải lý. Giờ theo Nghị định 11/2021 của Chính phủ, UBND cấp tỉnh được giao vùng biển đến 6 hải lý nên sắp tới Đà Nẵng có thẩm quyền giao khu vực biển này.

“Mình chỉ cho họ (Cục Hàng hải Việt Nam - chủ đầu tư) khu vực biển đó để họ chạy mô hình, tính toán kỹ thuật, tính vị trí nào thuận lợi để đổ thải không ảnh hưởng tới môi trường. Mình nghĩ nếu là bùn trả lại bùn thì không ảnh hưởng bao nhiêu vì ở dưới biển chứ không ở trên bờ, nhưng phải làm ĐTM thấy được mới cho qua, còn không thì thôi. Bây giờ đang ở những bước thủ tục đầu tiên, tức là chủ đầu tư mời đơn vị tư vấn làm ĐTM. Khoảng vài ba tháng nữa họ mới làm xong ĐTM” - bà Chín cho biết thêm.

Ông Dương Đức Xuân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, cho hay luồng hàng hải vào cảng Tiên Sa vốn có độ sâu 11 m, hiện bị bồi lấp chỉ còn 10,5 m. Do luồng cạn nên những năm qua cảng Tiên Sa không thể đón được các tàu có tải trọng và công suất theo đúng thiết kế tối đa và kỳ vọng của cảng.

“Mong muốn Cục Hàng hải Việt Nam nạo vét luồng đạt độ sâu trên 11 m. Việc này phải làm từ hai năm trước nhưng đang gặp một số vướng mắc nên chưa thể triển khai. Nếu làm thì làm bằng nguồn kinh phí quốc gia, vì đây là luồng hàng hải quốc gia. Luồng biển này không chỉ phục vụ cho cảng Tiên Sa mà còn cho các cảng lân cận” - ông Xuân cho hay.

Bộ GTVT đề nghị nạo vét

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay số vật chất nạo vét nói trên nếu đổ trên bờ thì phải có khu vực bãi bồi nào gần biển mới đổ được, vì cát nhiễm mặn không mang lên bờ đổ được.

“Bây giờ không tìm được khu vực nào hết thì đành phải nhận chìm ở biển theo quy định. Ảnh hưởng môi trường hay không thì phải làm ĐTM trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học. Cái này ở nước ngoài cũng vậy thôi, chứ không riêng Việt Nam” - ông Nam nói.

Ông Nam khẳng định vấn đề môi trường không hề đơn giản, không phải thích là đổ thải. Nguyên tắc là phải đánh giá rất nhiều yếu tố như mức độ lan truyền, ô nhiễm… với rất nhiều bài toán.

“Ô nhiễm hay không thì phải có ĐTM. Thực ra là của biển trả lại cho biển thôi, vấn đề là đổ chỗ nào cho phù hợp, không gây ô nhiễm, ảnh hưởng hệ sinh thái dưới biển” - ông Nam nhấn mạnh.

PV đặt câu hỏi: “Đà Nẵng chuẩn bị làm cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển thành cảng du lịch thì có cần thiết nạo vét bây giờ không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quang Nam cho hay thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ GTVT chứ không phải TP. Bộ GTVT quyết định về đầu tư cảng và nạo vét, TP chỉ cho Bộ GTVT chỗ đổ thải. Bộ TN&MT sẽ thẩm định ĐTM và thủ tục còn rất lâu, hiện mới dự kiến khảo sát.

Công suất thiết kế của cảng Tiên Sa có thể đón tàu trọng tải tối đa 70.000 tấn, sức chở 4.000 TEU. Hiện với luồng sâu 10,5 m, cảng Tiên Sa chỉ đón được tàu trọng tải cao nhất khoảng 50.000 tấn, sức chở từ 2.800 đến 3.000 TEU. 
 

Không có vị trí đổ thải

Phát biểu tại buổi làm việc mới đây với UBND TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay: Hai năm qua, Bộ GTVT phải trả lại gần 1.000 tỉ đồng cho Chính phủ vì không có vị trí đổ thải. Các luồng hàng hải không duy tu được, không nạo vét được phải trả lại. Có làm được cái này mới duy tu, nạo vét được luồng hàng hải vào cảng Tiên Sa. Năm 2018 trả 540 tỉ đồng, năm ngoái trả hơn 300 tỉ đồng vì không có vị trí đổ thải. Bộ GTVT đã đề xuất tiền làm rồi và đề nghị TP Đà Nẵng hỗ trợ.

“Có thải gì ra đâu, bùn ở vị trí cảng Tiên Sa chúng tôi đưa ra vị trí này, không bỏ một cái gì vào đấy cả. Chỉ lấy chỗ này bỏ chỗ kia, các đồng chí đừng nặng nề chuyện này. Bảo vệ môi trường vẫn phải bảo vệ nhưng đừng nặng nề, đừng khắt khe” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm