Có thể lấy lại nhãn hiệu Buôn Ma Thuột

Việc một doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê tại thị trường Trung Quốc một lần nữa lại khiến DN và các cơ quan quản lý cân nhắc lại về việc có cần bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài hay không.

DN và các hiệp hội cân nhắc chuyện đăng ký

Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, từng cho biết muốn bảo hộ hay không phụ thuộc lớn vào ý chí của các hiệp hội, DN. Đây là những người trực tiếp hưởng lợi từ việc khai thác sản phẩm, nắm rõ tình hình thị trường, giá trị của tên gọi nên họ biết có cần bảo hộ tên đó ở nước ngoài hay không.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, cho biết khi có DN đăng ký độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại thị trường Trung Quốc thì cà phê sản xuất tại Trung Quốc và cà phê nhập khẩu vào Trung Quốc đều không được dùng chữ Buôn Ma Thuột nữa. Thậm chí ghi xuất xứ hàng hóa là cà phê trồng tại “Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Việt Nam” cũng không được.

Ông Bình cho rằng các UBND tỉnh, các hiệp hội ngành hàng vì quyền lợi thiết thực của địa phương, vì lợi ích kinh tế… thì nên tự tính toán, cân nhắc xem có cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài hay không. Thông thường là dựa trên tình hình xuất khẩu, dự báo xuất khẩu tăng trưởng ra sao, thị trường nhắm đến là thị trường nào, lợi nhuận thế nào, đối tác có coi trọng cái tên đó không, tên đó có danh tiếng trên thế giới, có tạo lợi nhuận không… mà quyết định đăng ký.

Có hiệu quả mới đăng ký

Việc lâu nay DN cà phê không đăng ký độc quyền tên Buôn Ma Thuột ở nước ngoài cũng có lý do. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hội Cà phê-Ca cao, cho biết các DN chỉ xuất thô cà phê. DN nước ngoài mua cà phê từ trước đến nay chỉ đòi “cà phê Việt Nam” chứ không hỏi “cà phê Buôn Ma Thuột”. Sau đó họ chế biến và lấy nhãn hiệu riêng của họ ở nước ngoài. Cho nên chuyện DN đăng ký tên Buôn Ma Thuột ở nước ngoài lâu nay không ảnh hưởng đến DN cà phê Việt Nam.

Có thể lấy lại nhãn hiệu Buôn Ma Thuột ảnh 1

Sơ chế cà phê xuất khẩu tại Buôn MaThuột. Ảnh: HH

Điều này có thể liên hệ đến những sản phẩm khác, chẳng hạn như thanh long. Với lý do cân nhắc lợi ích kinh tế, thấy rõ lợi ích từ việc xuất khẩu thanh long sang Mỹ mà Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận đã sớm đăng ký độc quyền nhãn hiệu Bình Thuận cho quả thanh long tại thị trường này. Đây hiện là thị trường xuất khẩu lớn cho quả thanh long. Nộp đơn từ cuối năm 2009, đến ngày 13-9 vừa qua, nhãn hiệu này đã được đăng công báo tại Mỹ.

Có cơ sở pháp lý để thắng kiện

Từ năm 2003 đã có Công ty Rice Field ở California đăng ký tên “Ban Me Thuot” và “Que Huong Ca phe Ban Me Thuot” tại Mỹ. Hiện nay công ty này vẫn còn độc quyền.

Cái tên nước mắm Phú Quốc cũng được đăng ký ở Mỹ từ năm 1979. Tuy nhiên, riêng chữ “Phú Quốc” không thuộc dạng độc quyền. Vì vậy, hiện có ba công ty Mỹ là Công ty Việt Mỹ, Công ty Kim Seng, Công ty Việt Hương và một công ty Việt Nam là Công ty Thanh Hà (ở Phú Quốc, Kiên Giang) đều sử dụng chữ “Phú Quốc” trong nhãn hiệu nước mắm của mình. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì nhãn hiệu của các công ty có khác nhau, kèm theo tên riêng như Thanh Hà, Phước Hồng, Double Parrot (hai con vẹt) và ghép thêm các hình ảnh như con cá, con tàu, hình bản đồ Việt Nam… để phân biệt.

Ông Nguyễn Thanh Long - Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, cho biết trong nhiều trường hợp DN nước ngoài đăng ký nhãn hiệu mà chúng ta muốn kiện đòi thì cũng có cơ sở pháp lý để thắng kiện. Ví dụ, DN đăng ký không trung thực, đăng ký gây nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa… Nhất là trong trường hợp nhãn hiệu Buôn Ma Thuột lại trùng với địa danh của Việt Nam, địa danh này cũng có biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế thì càng dễ yêu cầu hủy nhãn hiệu của DN Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề là kiện xong chúng ta có sử dụng được hay không, có mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành hàng hay không.

Ông Long cũng cho biết từ trước đến nay vẫn có hiện tượng đăng ký nhãn hiệu để “kinh doanh nhãn hiệu”. DN đăng ký thật ra không dùng nhãn hiệu đó, không có sản phẩm trên thị trường nhưng lại cản trở DN khác đưa hàng vào thị trường. Bên bị “kẹt” phải làm thủ tục yêu cầu hủy thì cơ quan cấp bằng có thể hủy. Tuy nhiên, tốn kém thời gian và tiền bạc theo đuổi. Nhân đó, bên “kinh doanh nhãn hiệu” ra giá “chuyển nhượng” lại nhãn hiệu cho nhanh, thường thì bên bị “kẹt” sẽ đồng ý giải quyết như vậy cho gọn, đỡ tốn kém hơn!

Đăng ký mới 12 thương hiệu đặc sản địa phương

Ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết: Ngoài thương hiệu nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu Phú Quốc…, hiện nay các địa phương còn đăng ký mới 12 thương hiệu đặc trưng của từng địa phương như mật ong rừng U Minh Thượng, mắm cá lưỡi trâu U Minh Thượng, vọp U Minh Thượng; sầu riêng, khoai lang, bông súng Giồng Riềng; rượu Đường Xuồng (Gò Quao); rượu Kinh 5 (Tân Hiệp); khoai lang Hòn Đất; nhãn chứng nhận khu dự trữ sinh quyển…

Theo ông Hải, nếu xây dựng thương hiệu thì cả chủ thương hiệu lẫn người tiêu dùng đều có lợi. Qua đó đã có cơ quan thẩm định về chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng…

K.GIANG

Cấp quốc gia đăng ký vì quốc hồn, quốc túy

Việt Nam đã nộp đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “nước mắm Phú Quốc” tại châu Âu. Tuy nhiên, quy trình xem xét chỉ dẫn địa lý khá phức tạp nên đến nay vẫn chưa được châu Âu công nhận.

Sở dĩ Nhà nước chủ động đăng ký cho nước mắm Phú Quốc ở nước ngoài là vì ngoài giá trị kinh tế, nước mắm còn là sản vật mang nhiều ý nghĩa quốc hồn, quốc túy, gắn bó đặc biệt với đời sống người Việt Nam nên được ưu tiên đăng ký ở nước ngoài trước.

Thông thường, trên thế giới, những chỉ dẫn địa lý có giá trị kinh tế cao dễ bị làm giả sẽ được quan tâm đăng ký bảo hộ ở nước ngoài nhằm chống hàng giả mạo, điển hình nhất là rượu và pho-mát các loại.

Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng cục SHTT

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm