Coi chừng sập bẫy nhà trọ giá rẻ

Trở lại sau hai ngày đặt cọc, ĐKLT (sinh viên ĐH Văn Hiến, TP.HCM) bất ngờ với số tiền phụ thu đột biến cùng nhiều yêu cầu vô lý từ phía chủ cho thuê. Cô ngậm ngùi “chia tay” 1 triệu đồng tiền cọc đã đóng trước đó, xách hành lý ra về.

Bất ngờ với nhiều khoản phát sinh

Qua tìm hiểu trên mạng, ngày 16-7, T. đến địa chỉ phòng trọ cho thuê trên đường Phạm Văn Hai (phường 5, quận Tân Bình) để xem phòng. Tới nơi, ban đầu cô được đưa đi xem phòng trần thấp ở khúc quặt cầu thang, có cửa sổ, máy lạnh, sạch sẽ, giá 1,5 triệu đồng. Sau đó vì muốn thoải mái hơn, cô xem tiếp một phòng khác hướng ra mặt đường, thậm chí căn phòng còn rộng gấp ba phòng vừa rồi mà cũng chỉ 1,8 triệu đồng và cũng có máy lạnh. Không muốn mất căn phòng vào tay người khác, T. quyết định đặt tiền cọc theo yêu cầu của bà chủ là 1 triệu đồng. “Bà ấy bảo đến ngày 18 người ta mới dọn đi nên chiều tối 19 hãy tới. Đến 7 giờ tối 19, mình dọn tới mới té ngửa vì hàng loạt khoản thu bất ngờ” - T. kể.

“Ngoài tiền nhà 1,8 triệu đồng/tháng, hợp đồng thuê nhà còn quy định nhiều khoản mình phải đóng hằng tháng gồm điện 200.000 đồng, nước 120.000 đồng/hai người, cáp truyền hình 100.000 đồng, rác 50.000 đồng, Wi-Fi 100.000 đồng. Vô lý hơn còn có khoản phí tạm trú tạm vắng 200.000 đồng/năm (trước đây chưa bao giờ mình phải đóng khoản tiền này). Tổng cộng phải đóng đủ 4.270.000 đồng mới được nhận phòng. Còn sau đó xài gì tính thêm!” - T. cho biết.

Cũng theo T., những thỏa thuận ban đầu như được cho bạn bè tới chơi, giờ giấc tự do, có chỗ để xe bị bà chủ gạt ra khỏi hợp đồng. Cụ thể, nhà trọ quy định 6 giờ sáng phải dắt xe ra khỏi nhà tối mới được về, không cho bạn bè tới chơi. Cuối cùng là tiền cọc, lúc đầu bà chủ bảo tiền cọc 1 triệu đồng hoặc một tháng tiền nhà, vậy mà khi vào ở thì bắt buộc tiền cọc là một tháng tiền nhà. “Hôm mình tới nhận phòng, có bốn thằng con trai, họ ăn nói trống không, toàn dùng mấy câu mệnh lệnh, không vừa tai là xăm xăm tới định đánh khách. Mình sợ quá về luôn, chấp nhận mất 1 triệu đồng tiền cọc” - T. ngậm ngùi chia sẻ.

Sinh viên cần cẩn thận với những mẩu quảng cáo nhà trọ như thế này. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Tìm “đồng minh” đi đòi tiền cọc

NBT (sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng đã đấu tranh và đòi lại được tiền cọc.

T. kể bạn tìm nhà trọ theo một địa chỉ trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Tới nơi chủ nhà nói qua địa chỉ ở đường Phạm Văn Hai coi phòng. Cũng như những nạn nhân trước, sau khi đặt cọc, T. tá hỏa trước những điều khoản vô lý mới phát sinh như đóng tiền cọc trước hai tháng và tiền ở là ba tháng, nếu ngưng thuê trước một năm thì mất cọc, tiền giữ xe 200.000 đồng/chiếc, không cho bạn bè vào, không nấu ăn, 6 giờ 30 sáng mới được ra khỏi nhà...

T. kể: “Rơi vào tình cảnh có thể mất số tiền đặt cọc, mình lên Facebook nhằm chia sẻ câu chuyện của mình và tìm “đồng minh”. 11 giờ ngày 27-9, mình liên hệ được vài “nạn nhân” khác và cùng đến Công an phường 5, quận Tân Bình nhờ can thiệp. Các anh công an đã lấy xe chở những người cho thuê nhà trọ tới lấy lời khai. Cuối cùng, họ phải trả tiền lại cho bọn mình. Các anh công an còn nói mình kêu gọi các bạn khác báo công an, nhờ can thiệp lấy lại tiền cọc”.

Chiều 30-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công an phường 5 (quận Tân Bình) cho biết trong cuộc họp ngày 26-9, cơ quan công an đã giải quyết vụ việc. Theo đó, cơ quan công an đã yêu cầu chủ nhà trọ trả lại tiền cọc cho người thuê, đồng thời đề nghị chủ nhà không tổ chức cho thuê mướn nữa để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực.

Mồi nhử nhiều nơi

Chiêu trò sử dụng phòng trọ đẹp với giá cả phải chăng làm mồi nhử khiến các sinh viên mất tiền cọc xảy ra khá nhiều thời gian qua. TTTD (ĐH Tài chính Marketing) cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngày 13-8, D. tới một căn nhà trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận)để xem phòng và rất hài lòng. D. cho biết căn phòng rộng tầm 25 m2, có ban công, sạch sẽ khang trang. Giá cho thuê 1,8 triệu đồng, tiền điện 3.000 đồng/kWh, tiền nước 30.000 đồng/m3, đặt cọc 1 triệu đồng. Ngày 16-8, chủ nhà yêu cầu đặt cọc thêm 800.000 đồng nữa trước khi chuyển tới, D. cũng đồng ý. “Tuy nhiên, lúc đến ở mới biết bao nhiêu khoản phát sinh. Họ bắt mình đóng ngay tiền cọc hai tháng cộng với một tháng tiền nhà, tiền rác 150.000 đồng/tháng, phí an ninh 200.000 đồng, phí gửi xe 300.000 đồng…”. Phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, D. mới lấy lại được 900.000 đồng, chấp nhận mất một nửa tiền cọc.

Việc các sinh viên không đòi lại được tiền là do thiếu hiểu biết pháp luật về quy định đặt cọc. Việc đặt cọc cần được ghi thành văn bản và hợp đồng thuê nhà cần ghi đầy đủ nội dung như giá thuê, thời hạn thuê, các điều kiện, quyền và nghĩa vụ kèm theo... Khi làm hợp đồng thuê nhà, nếu bên cho thuê không đưa những nội dung đã thỏa thuận như khi đặt cọc vào hợp đồng thì bên đặt cọc không đồng ý và có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện vụ án dân sự rất phức tạp và kéo dài mất thời gian, công sức. Khi gặp tình huống trên, người đặt cọc có thể đến cơ quan công an hoặc tư pháp phường để được hướng dẫn, giải quyết.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm