Con bị tạm giam hơn 1.000 ngày, gia đình đến VKS 'đòi'

Sáng nay (14-6), gia đình bị can Trần Vinh Sang, một trong sáu bị can của "Vụ trộm vàng khó xử ở Bình Chánh"Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần thông tin, đã đến VKSND huyện Bình Chánh để đòi con.
Họ cho rằng Sang đã bị tạm giam oan hơn 1.060 ngày dù Sang hoàn toàn có chứng cứ ngoại phạm là ngủ ở nhà khi vụ trộm này xảy ra.

"Vụ án này kéo dài đã ba năm mà chưa xử được. Tôi yêu cầu cơ quan tố tụng và cá nhân có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ án này. Nếu xét thấy con tôi có tội thì đưa ra xét xử để nó đi chấp hành án, còn được giảm án, mau chóng có ngày tự do. Còn không thì ngay lập tức đình chỉ vụ án, minh định con tôi bị oan và xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho con tôi theo quy định của pháp luật" - bà Dương Thị Tiên, mẹ của Sang, nêu yêu cầu khi vào làm việc với lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh.

Bà Tiên cho biết bà cũng đã trình bày với ông Lê Trung Kiên, Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, là suốt 10 tháng nay bà chỉ được gặp con hai lần. Trong khi đó theo quy định thì người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng. Con bà cũng không thuộc trường hợp không được gặp.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh cho biết ông đã tiếp bà và giải thích cho bà hiểu. "Người nhà bị can có bức xúc thì tôi đã lý giải cho họ hiểu rồi, chuyện đâu còn có đó, cơ quan chức năng sẽ giải quyết vụ án này theo đúng quy định của pháp luật. Hiện hồ sơ đang bên công an” - ông nói.

Ảnh chụp từ clip trên Facebook gia đình bị can.

Như đã thông tin, tháng 7-2015, nhà bà Nguyễn Thị Năm ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM bị trộm vào lấy đi nhiều vàng, nữ trang và tiền mặt. Tài sản bị trộm qua định giá là 334 triệu đồng. Trong vòng năm ngày, sau lời khai nhận của bị can chưa thành niên Đặng Thanh Thuận, lần lượt năm thanh niên khác trong xã bị bắt.

Trong sáu bị can, có Thuận và Diệp Ngọc Quang cùng chưa thành niên và nhận tội từ đầu. Bốn bị can còn lại, hai bị can kêu oan từ đầu, hai bị can còn lại khi nhận tội, khi kêu oan. Bị can Thuận khai rằng ngay sau khi trộm được vàng, cả nhóm đem ra tiệm vàng bán. Tuy nhiên, công an rà soát khắp các cửa tiệm trong khu vực, không tìm ra tiệm nào đã thu mua.

Vụ án không có nhân chứng, vật chứng không thu giữ được, cũng không có dấu vết, hình ảnh gì để lại tại hiện trường liên quan đến sáu bị can này.

Con bị tạm giam hơn 1.000 ngày, gia đình đến VKS 'đòi' ảnh 2
Gần ba năm nay, bà Năm vẫn chưa thể biết được kẻ trộm là ai dù ngay sau khi bà bị trộm, những nghi can lần lượt bị bắt giữ.

HĐXX TAND huyện Bình Chánh đã năm lần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung nhiều vấn đề, trong đó có yêu cầu trích xuất camera, giám định dấu vân tay, dấu vết tội phạm để lại nhà bà Năm.

Tuy nhiên, theo VKS, các dấu vết bám bụi đất để lại trên tường nhà bà Năm không rõ hình dạng, không thể giám định. CQĐT không thu giữ, kiểm tra, trích xuất camera tại tiệm game vì camera không còn lưu trữ do dữ liệu bộ nhớ của máy không nhiều. Camera của nhà kế bên tiệm game thì đã bị hư.

Sau phiên tòa này, hai bị can nhận tội được tại ngoại.

Phiên tòa gần đây nhất mở vào ngày 28-9-2017. Sau khi HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần nữa thì hai bị can nhận tội là Thuận và Quang được thay đổi biện pháp ngăn chặn thành cấm đi khỏi nơi cư trú, còn bốn người đang kêu oan vẫn bị tạm giam.

Người nhà của Sang nhiều lần đến VKSND huyện Bình Chánh… đòi con và đòi làm chứng cho sự ngoại phạm của Sang. Họ cho rằng từ đêm đến sáng ngày vụ trộm xảy ra, Sang ngủ ở nhà với cháu.
Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng;
Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:
a) Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
b) Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
c) Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
d) Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
đ) Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
e) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
g) Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
h) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của luật này.

(Trích Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, có hiệu lực ngày 1-1-2018) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm