Con cá nhớ đồng

“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,

Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”

Mỗi năm, cứ vào độ 29-30 Tết là đường phố Sài Gòn lại trở nên vắng ngắt. Cái thành phố vốn dĩ tấp nập, ồn ào của ngót nghét gần 8 triệu con người này thoắt cái đã biến đi đâu? Câu trả lời không khó: Họ về quê đoàn tụ với gia đình trong ba ngày tết. Mới biết, dù thành phố đã có lịch sử đến hơn 300 năm nhưng số dân chánh gốc Sài Gòn cũng chẳng bao lăm, phần lớn là những lưu dân theo dòng người nhập cư vì sinh kế.

Rời quê, tạm gửi thân nơi chốn phồn hoa đô hội với chút ít hy vọng khá khiêm tốn: tự nuôi được mình, rồi dành dụm một ít tiền, đôi ba tháng gửi về để phụng dưỡng cha mẹ già cùng đàn con dại. Sự lựa chọn chẳng đặng đừng của hầu hết lớp dân nghèo ở những vùng quê thiếu đói. Đất đai không còn phì nhiêu. Cá tôm lần hồi cạn kiệt. Vốn liếng không có… Ra đi là cách “tự cứu mình trước khi trời… cứu” với niềm tin rồi có một ngày sẽ “hồi cố thổ”.

Kẻ tha hương ngày tết được trở về đoàn tụ với gia đình cũng là cách để báo hiếu, nghiêng về mặt tâm linh. Đốt nén nhang khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, kèm một ít lễ vật (dù khiêm tốn) để chứng tỏ tấm lòng thành của lớp con cháu, hứa hẹn năm sau sẽ đầy đủ hơn. Người làm ăn gặp thời khấm khá, dám bỏ ra năm, bảy trăm bạc mua chai rượu Tây, gói thuốc “ba con 5” đem về chưng lên bàn thờ ông bà với chút hãnh diện. Thương thay những người trên đường sinh kế rủi gặp hồi thất cơ lỡ vận, tết nhứt cận kề mà trong túi chẳng có lấy đồng xu. Thôi thì đành nằm chèo queo ở một gác trọ nào đó rồi tự an ủi bằng những trận ngủ li bì.

Tôi có thằng bạn nhà thơ, sinh sống tại TP Cà Mau, quê quán ở tận miệt U Minh Hạ, chánh gốc nông dân. Nhà nó nghe đồn lúc nào cũng rọng sẵn một con cá lóc đồng - hiểu là “con cá lóc mẫu”, dành mỗi khi đi chợ là vợ nó phải đem theo để tránh mua lầm thứ cá lóc nuôi kém ngon, thiếu mùi vị. Ai nghe qua cũng nghĩ “thằng cha này thuộc loại khó tính đến mức lập dị”. Tôi thì không nghĩ như vậy. Đọc Truyện Kiều, ta thấy câu “Thú quê thuần hức bén mùi”. Lại một câu nói khác, hình như là của Lâm Ngữ Đường: “Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình còn nhỏ tuổi”. Người biết ăn là biết cảm nhận, bởi trong món ăn luôn chứa đựng cái hồn, dù chưa phải là cao lương mỹ vị.

Lại thêm chuyện này, cũng của thằng bạn tôi.

Con cá nhớ đồng ảnh 1

Hồi thời kỳ đầu sau giải phóng, trong lúc mọi người trong cơ quan xúm nhau đi đóng tiền cọc để nhận đất làm nhà trong nội đô với giá rẻ theo tiêu chuẩn thì nó lại không nhận. Nó ra tuốt cánh đồng hoang toàn năn với sậy ở ngoại ô mua một thẻo đất rộng độ một ngàn thước vuông với giá ba chỉ vàng. Vợ chồng nó dựng lên căn nhà lá, sắm vài chục tay lưới, một ít câu cắm, thêm một cần câu thượt để lúc nào rảnh rang là ngao du nhấp cá. Dân công chức ngày hai buổi đi làm nhưng giò cẳng nó phèn đóng vàng khè, có vảy.

Mỗi năm, cứ vào mùa thu hoạch cá đồng, thế nào nhà nó cũng nhận vài hũ mắm để dành ăn hoặc gửi cho bạn bè, không bán. Mắm của nó ngon lạ lùng, khác với mắm chợ ở Châu Đốc “chao” đường ngọt xớt. Ngày xưa, để có một thứ mắm có hương vị đặc trưng, độc đáo, dân ở miệt U Minh thường “chao” mắm bằng mật ong, dân miệt Châu Đốc (An Giang) thì dùng đường thốt nốt. Ngày nay, đâu còn đủ mật ong hay đường thốt nốt để làm thứ mắm ngon thượng hạng phục vụ lượng “thượng đế” quá đông. Bạn tôi chắc cũng không còn sang đến mức “chao” mắm bằng mật ong, nếu ai đã trót ăn mắm của nó một lần thì chắc là không thể tơ tưởng đến loại mắm nào khác. Bởi vậy, bạn bè đôi lúc cao hứng đã phong luôn cho nó cái chức nghe khá khôi hài: “Bộ trưởng bộ… mắm”!

Rồi đùng một cái, con lộ đất sình sụp, nhỏ xíu như đường chuột chạy trước nhà nó được nhà nước mở rộng đến 30 thước, chạy thẳng đến Rạch Giá (Kiên Giang) gọi là tỉnh lộ 63, tráng nhựa láng coóng. Nhà cửa hai bên đường thi nhau mọc như nấm sau mưa, thêm các dịch vụ ăn uống, giải trí: quán nhậu, bia ôm, mát-xa, nhà trọ… đủ cả. Chỉ một đêm ngủ dậy, cánh đồng mọc đầy năn sậy, cỏ lác ngập lút đầu đã biến đâu mất. Giá đất lên vùn vụt từng ngày với tốc độ… phản lực: một mét ngang lên đến hàng chục cây vàng! Tự nhiên nó trở thành kẻ giàu có, đêm đêm nằm thao thức trên… đống vàng nhưng nào nghe tiếng cá quẫy, buổi sớm mai vắng tiếng chim kêu. Cánh đồng năn dưới bầu trời cao rộng mỗi chiều ráng đỏ, tay vung cây cần câu thượt, rê mồi chờ nghe tiếng cá táp… giờ bỗng thấp xuống, chật hẹp.

“Muốn tiến nhanh, ta phải tàn nhẫn xóa bỏ cái mộc mạc mà ta sẽ luyến tiếc khi đứng tuổi. Người ta sẽ phục chế vài thắng cảnh, bảo tồn từng mảng. Như giam giữ con cá mòi trong hộp thiếc, bỏ túi được, tùy thị trường mà thay đổi bao bì, ghi thêm vài hàng chữ quảng cáo, hoặc đặt tên khác. Cá chết, rục xương thao thức trong mớ gia vị có màu tươi tắn, lắm khi là hóa chất nhưng mơn trớn và hấp dẫn” (Sơn Nam). Thằng bạn tôi cảm thấy mình là kẻ bất lực, chưa phải là con cá mòi chết rục xương trong cái hộp thiếc kia nhưng là con cá… mắc cạn luyến tiếc cái thời còn bơi lội tung tăng trên những cánh đồng tư bề gió lộng, thấm đẫm ánh trăng với hương đồng cỏ nội. Nhớ ngày nó còn bé, sau mỗi mùa chụp đìa nhà là ông già nó lại chọn vài ba cặp cá, chặt đuôi để làm dấu rồi đem thả ở mấy cái lung, bàu, xa năm-bảy cây số. Vậy mà đến mùa sau, những con cá đã được làm dấu đó đều gom về đầy đủ trong đìa nhà. Họa hoằn mới thiếu một-hai con, chắc là bị mắc câu của những tay săn cá.

Con cá đi xa còn biết tìm về chốn cũ, chắc nó hiểu rằng chẳng nơi đâu bình yên bằng nơi nó đã sinh ra và cũng có thể là nơi kết thúc cuộc đời, một cách bình yên!

Tình cờ tìm gặp trong kệ sách cuốn Về nhà mình xa quá, má ơi! của Trần Thanh Phương. Phần lý lịch trích ngang, tác giả ghi: “Quê quán: Ấp Đường Cày, xã Phú Tân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Lúc nhỏ, ở nhà với mẹ, giăng câu, đặt trúm, mò tôm, bắt ốc… và học chữ ở trường làng. Năm 1954, tập kết ra Bắc…”. Lại viết trong “Lời tác giả”: “… Cách đây hơn 20 năm, một lần vượt hơn 400 cây số bằng đường bộ và đường sông về thăm má tôi ở tận mũi Cà Mau. Vừa đặt ba lô xuống, tôi than: “Về nhà mình xa quá, má ơi! Con đi gần hai ngày mới tới”. Má tôi thoáng buồn, nói: “Mồ tổ mày, tại con đi xa chớ nhà mình đâu có xa. Từ trước tới giờ nhà mình vẫn ở đây, có dời đi đâu mà xa với gần. Má sanh con cũng tại căn nhà này…”.

Nghe thương quá. Mà cũng buồn quá!

Cái khoảng cách từ vùng mũi Cà Mau đến Sài Gòn, nơi tác giả đang sinh sống  thì đúng là “xa quá” nếu đặt vào thời điểm của nhiều năm trước, vì đường sá gian nan, cách trở. Còn bây giờ, cái khoảng cách đã được rút ngắn đáng kể bởi không còn cách trở đò giang. Thế mà với những đứa con xa quê ở thời buổi này, cái cảm giác “Về nhà mình xa quá, má ơi” vẫn thấy còn xa quá… Vì tuổi tác chất chồng? Vì bận bịu chuyện áo cơm? Hay vì những lý do nào khác?...

Tôi cũng là một đứa con Cà Mau lưu lạc giữa đất Sài Gòn. Mười mấy năm chen chân nơi chốn thị thành cũng đã thấm mệt: Ra đường thì nơm nớp sợ kẹt xe. Buổi tối trở về nhà lại chui vào căn phòng vuông vức như chiếc hộp bê tông – một kiểu bị cầm tù… êm ái… Cũng như thằng bạn tôi đang bị “mắc kẹt” ở giữa phố chợ Cà Mau, lòng thắc thỏm hướng về cố hương, ngặt con đường về sao xa xôi quá!

Thì đành làm thân con cá nhớ đồng, hẹn với lòng ngày sau, năm ấy… 

PHAN TRƯỜNG GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm