Con, cháu lẫn lộn

Mấy năm trước ông H. (xã Long Tiên) nộp đơn ra TAND huyện Cai Lậy (Tiền Giang) yêu cầu được chia di sản thừa kế của mẹ để lại với bà M. (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM).

Xuất hiện người thứ ba

Theo đơn ông H., mẹ ông có ba người con gồm ông, bà M. và một người nữa nhưng đã chết. Di sản của mẹ để lại có một mảnh đất, căn nhà lá… mà hiện nay bà M. đang quản lý nên ông muốn được chia phần của mình.

Trước yêu cầu của ông H., bà M. phản đối cho rằng bà và ông H. không phải là anh em. Mẹ bà chỉ có hai con ruột hiện còn sống là bà và ông T. nên đề nghị tòa chia thừa kế cho bà và ông T. mà thôi.

Ông T. sau đó cũng lên tiếng khẳng định mẹ mình không có người con nào tên H. cả. Ông còn trưng ra giấy khai sinh được cấp năm 1999 xác định mình là con của người đã mất để chứng minh lời khai.

Lúc này ông H. bổ sung chứng cứ là bản “trích lục án phòng lục sự tòa Định Tường vào ngày 25-2-1967…” thể hiện mình và bà M. mới chính là con của người quá cố. Ông lý giải thêm, ông T. và bà M. là con riêng của chồng mẹ mình. Nhưng bà M. được nhận làm con nên năm 1965, mẹ mình đứng ra làm giấy khai sinh, còn ông T. không được nhận làm con...

Con, cháu lẫn lộn ảnh 1

Ủy ban và tòa chỏi nhau

Liên quan đến các mối quan hệ trên, trước đó, Ủy ban xã Long Tiên cho biết qua xác minh tại địa phương thì ông T. là con ruột của người đã chết. Ông H. chỉ là cháu kêu người đã chết là dì ruột. Ông H. có chung hộ khẩu với người đã chết từ năm 1976 đến 1981 mới tách hộ khẩu. Tranh chấp thừa kế có liên quan đến việc nhận con ruột, con nuôi nên ủy ban không đủ thẩm quyền xử lý mà chuyển sang tòa xem xét…

Xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Cai Lậy nhận định mặc dù ông H. không phải là con đẻ của người đã chết nhưng căn cứ vào giấy tờ ông cung cấp xác định ông được người đã chết nhận là con. Như vậy ông H. là hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật.

Còn về chứng cứ ông T. cung cấp, tòa nhận thấy giấy khai sinh ghi nơi thường trú, tạm trú của người mẹ tại xã Điều Hòa, Định Tường; trong khi đó, qua các giấy tờ khác thể hiện người đã chết đã về xã Long Tiên sống từ năm 1975. Do vậy, tòa xác định người mẹ ghi trong giấy khai sinh khác với người mẹ để lại di sản thừa kế trong vụ án này.

Mặt khác, ông T. và bà M. cho rằng cả hai là anh em cùng cha cùng mẹ nhưng ông T. sinh trước bà M. một năm, vì sao người mẹ chỉ làm khai sinh cho bà M. mà không làm cho ông T. Giấy khai sinh hiện tại của ông T. được làm sau khi các bên đã có tranh chấp thừa kế. Do đó có cơ sở khẳng định ông T. không phải là con đẻ của người quá cố nên không được hưởng thừa kế…

Sau đó, bà M. và ông T. đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông H. về việc chia di sản đồng thời công nhận ông T. là con ruột của người mẹ đã mất…

Cần giám định ADN để xác định con ruột

Chỉ căn cứ vào giấy tờ do các bên cung cấp từ đó phân tích, quyết định ai là con ruột là khó thể thuyết phục. Việc tòa hay ủy ban xác nhận ai là con ruột, ai không phải thì phải dựa trên nhiều yếu tố. Giấy tờ chỉ mang tính tham khảo, không có tính chính xác cao cũng như bảo đảm đúng sự thật. Với vụ án này, theo tôi nên cho giám định ADN những người cho là con ruột của người đã chết. Có như vậy mới cho kết quả chính xác và thuyết phục đảm bảo sự công bằng.

Luật sư PHẠM TẤT THẮNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm