Công an TP.HCM có thẩm quyền điều tra vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành

Sáng nay, 31-12, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Kim Trung Thái (trú phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) để điều tra hành vi giúp sức cho người tình Nguyễn Võ Quỳnh Trang trong việc bạo hành bé gái 8 tuổi (con của Thái) dẫn đến tử vong.

Trước đó, Trang đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội hành hạ người khác.

Qua khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định bé chết do phù phổi cấp; cơ thể bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn; khu vực phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù.

Mọi người cầu nguyện cho nạn nhân tại chung cư đêm 27-12. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Ngày 30-12, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công an, UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Trước diễn biến mới của vụ án, dư luận càng bày tỏ quan tâm liệu rằng có thể khởi tố bổ sung hoặc chuyển tội danh đối với bị can khi có quá nhiều thương tích trên người bé gái và nguyên nhân chết do phù phổi cấp; cơ thể bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn; khu vực phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù. 

Trao đổi cùng PLO, ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết theo Điều 156 BLTTHS thì cơ quan điều tra (CQĐT) có thể ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.

Trong trường hợp CQĐT xác định hành vi của bị can không có dấu hiệu của tội hành hạ người khác mà có dấu hiệu cấu thành tội phạm khác như cố ý gây thương tích hoặc giết người thì CQĐT có thể thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự để thay đổi tội danh khởi tố.

Nếu, CQĐT xác định hành vi của bị can có dấu hiệu cấu thành tội hành hạ người khác, đồng thời còn có dấu hiệu cấu thành tội phạm khác như cố ý gây thương tích hoặc giết người thì CQĐT có thể ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự để bổ sung thêm các tội danh mới này.

TS-LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cũng nhận định trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

“Nếu có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được rằng hành vi có thể gây ra thương tích cho nạn nhân nhưng cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì sẽ chuyển tội danh sang tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS năm 2015, với tình tiết định khung tăng nặng là làm chết người” - LS Cường phân tích.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy bị can sử dụng gậy gỗ đánh vào lưng của bé mà tại thời điểm đánh, đối tượng nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, và hiện bé đã tử vong thì CQĐT sẽ khởi tố người đã đánh bé về tội giết người theo khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội với người dưới 16 tuổi.

Công an TP.HCM có thể rút vụ án để điều tra

Theo ThS Trần Thanh Thảo, căn cứ điểm b khoản 5 Điều 163 BLTTHS và điểm c khoản 2 Điều 268 BLTTHS thì CQĐT Công an TP.HCM có thể trực tiếp điều tra khi xác định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án nếu xét thấy cần thiết.

Nếu xác định hành vi của bị can có dấu hiệu của tội giết người thì thẩm quyền điều tra sẽ thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm