Công chứng bị gán ghép là bị đơn

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa tuyên xử Phòng Công chứng số 6, TP.HCM (PCC6) thua kiện trong vụ yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu do khai sót người thừa kế.

Không kê khai các con ở nước ngoài

Vợ chồng ông T. có tạo lập được một căn nhà và đã được UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chủ quyền. Năm 1999, ông T. mất không có di chúc. Năm 2006, vợ ông T. họp gia đình thống nhất chia di sản của ông T. để lại cho bà và hai người con (một người con đã chết nên dâu và cháu nội bà được hưởng). Các thành viên đã đề nghị PCC6 công chứng văn bản thỏa thuận như trên. Sau 30 ngày niêm yết công khai thông báo về vụ việc theo quy định và không có ai tranh chấp, khiếu nại, công chứng viên đã đóng dấu, công chứng văn bản. Năm 2007, UBND quận Bình Thạnh ghi nhận chủ sở hữu mới cho căn nhà là các đồng thừa kế nêu trên của ông T.

Năm 2012, ba người con khác của vợ chồng ông T. đang ở nước ngoài phát hiện ra sự việc. Thế là một trong ba người đã nộp đơn kiện đến TAND TP.HCM yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế không đầy đủ nói trên.

Công chứng bị gán ghép là bị đơn ảnh 1

Người dân làm thủ tục công chứng tại PCC6, TP.HCM. Ảnh: KP

Thua kiện và phải nộp án phí

Theo TAND TP.HCM, đây là vụ án dân sự mà theo đó, người khởi kiện là nguyên đơn và PCC6 là bị đơn. Tòa này nhận định các đương sự khai không đầy đủ những người cùng hàng thừa kế, dẫn đến việc công chứng viên chứng nhận không đúng văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế. Từ đó, HĐXX tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế mà PCC6 đã công chứng là vô hiệu. PCC6 phải chịu án phí sơ thẩm 200.000 đồng. PCC6 kháng cáo và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử y án sơ thẩm.

Điều đáng nói là đại diện PCC6 khẳng định mình đã thực hiện đúng quy trình. Lỗi kê khai thiếu sót là do phía vợ con ông T. Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng PCC6, cho biết: “Công chứng viên làm đúng, làm đầy đủ quy trình công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Việc sót người thừa kế là do các đồng thừa kế khác cố tình che giấu mà điều này thì PCC6 không thể chịu trách nhiệm. Giờ phát hiện ra sai sót thì tòa án có quyền tuyên hủy văn bản nhưng bắt chúng tôi là bị đơn thì vô lý quá. Bởi lẽ giữa PCC6 và nguyên đơn không có bất kỳ tranh chấp gì liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Có hợp lý hay không khi những người làm sai thì vô can, còn người làm đúng như chúng tôi phải nộp tiền án phí?”.

Bà Yến cho biết thêm: “Chúng tôi đã gửi văn bản đến chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao để xin giám đốc thẩm bản án này”.

Vụ án dân sự hay việc dân sự?

Xét về cơ sở pháp lý, Tòa sơ thẩm đã căn cứ vào Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 (tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu) để tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và điều này được Tòa phúc thẩm đồng tình.

Trong khi đó, PCC6 cho rằng giữa họ và phía nguyên đơn không có tranh chấp nên phải áp dụng theo Điều 26 bộ luật này (yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu) giải quyết thì mới đúng.

TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự (ĐH Luật TP.HCM), cho rằng cái chính là phải xác định bản chất của vấn đề là có tranh chấp hay không tranh chấp để từ đó xác định tư cách tham gia tố tụng của PCC6. Thứ nhất, người con không kiện PCC6 để tranh chấp văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế mà cơ quan này đã công chứng. Thay vào đó, họ chỉ yêu cầu tuyên hủy văn bản đó. Thứ hai, họ không kiện PCC6 để yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc công chứng này gây ra. Thứ ba, PCC6 không thể là bị đơn vì họ không vi phạm về quyền của những người thừa kế, không có xung đột về mặt tài sản và không có lỗi trong việc công chứng văn bản khai nhận di sản đó. Lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về những người kê khai di sản đã cố tình giấu giếm bớt người. Điều này không thể bắt công chứng viên chịu được. Từ đó, ta có thể khẳng định đây chỉ là việc dân sự chứ không thể là vụ án dân sự.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó PCC7, nêu quan điểm: “Do tòa án thụ lý theo hướng có tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu nên cần phải xác định vụ này theo hướng có tranh chấp hay không? Nếu có thì ai tranh chấp với ai? Nếu xác định là có tranh chấp thì mới áp dụng khoản 9 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự để xét xử vụ án dân sự. Thế nhưng trong vụ việc này thì không có tranh chấp mà đương sự chỉ muốn hủy văn bản thỏa thuận. Và khi không ai tranh chấp thì phải chiếu theo khoản 6 Điều 26 bộ luật trên xác định đây chỉ là việc dân sự. Điều này cũng được minh định tại Điều 4 Nghị quyết 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Chưa kể là về hình thức, PCC6 không vi phạm vì họ đã làm đầy đủ quy trình công chứng. Còn về nội dung, tuy có sót người thừa kế nhưng lỗi này do bên yêu cầu gây ra chứ công chứng viên không có lỗi. Bởi lẽ công chứng viên chỉ công chứng trên các giấy tờ do bên yêu cầu xuất trình và họ phải chịu trách nhiệm về sự gian dối của mình. Như vậy, tòa nên xác định đây là vụ việc dân sự thì xác đáng hơn”.

Một trưởng PCC tại TP.HCM cũng cho biết phòng mình từng bị tòa án quận X xác định tư cách là bị đơn trong vụ việc tương tự như PCC6. Thế nhưng phòng đã phản ứng quyết liệt và cuối cùng tòa án quận này đã đổi tư cách từ bị đơn thành người có liên quan. Giữa phòng và tòa án quận đều thống nhất đây chỉ là việc dân sự. Việc sót người thừa kế là do người yêu cầu công chứng gian dối chứ công chứng viên đã làm đúng quy trình từ khâu tiếp nhận, xác minh, niêm yết… rồi mới công chứng.

Phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự

- Vụ án dân sự: Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng tranh chấp với nhau về việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 9 Điều 25 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Việc dân sự: Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật và cùng có yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 6 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

(Theo Điều 4 Nghị quyết 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán
TAND Tối cao)

KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm