COVID-19 châu Âu: Đau lòng gần 12.300 nhân viên y tế TBN nhiễm

Dù không phải là nước có dịch nghiêm trọng nhất châu Âu nhưng Tây Ban Nha đang là điểm nóng nhất lúc này.

Chỉ trong ngày 29-3 Tây Ban Nha có thêm tới 838 người chết, đưa tổng số người chết tới lúc này lên 7.340, theo trang web thống kê Worldometters.

Con số này cao hơn số người chết ngày 29-3 ở Ý, và Tây Ban Nha trở thành nước có số người chết cao nhất trong ngày 29-3. Số ca tử vong ở Tây Ban Nha hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, Ý. Tây Ban Nha quyết định hạ cờ rủ để tang và tưởng niệm những người đã chết vì dịch.

Minh họa giữ khoảng cách xã hội ở Ronda (Tây Ban Nha) ngày 30-3. Ảnh: REUTERS

Cũng trong ngày 29-3 Tây Ban Nha thêm 6.875 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm nước này lên 85.195. Tổng số ca nhiễm của Tây Ban Nha đã vượt qua của Trung Quốc (81.470).

Hãng tin Reuters dẫn lời Phó trưởng Cơ quan Y tế khẩn cấp Maria Jose Sierra ngày 30-3 cho biết một thông tin rất đau lòng là trong số người nhiễm có tới 12.298 nhân viên y tế, tương đương 14% tổng số ca nhiễm cả nước.

Nhân viên y tế di chuyển bình ôxy tại một bệnh viện ở Madrid (Tây Ban Nha) ngày 30-3. Ảnh: REUTERS

Tây Ban Nha hôm nay bắt đầu bước vào tuần phong tỏa thứ ba sau khi nước này quyết định kéo dài phong tỏa từ ngày 30-3 đến ngày 9-4. 

Thủ tướng Pedro Sanchez yêu cầu tất cả người lao động những ngành nghề không thiết yếu phải ở nhà, vẫn nhận tiền lương nhưng sau này sẽ phải làm bù lại.

Ý vẫn là nước có dịch nghiêm trọng nhất châu Âu với 97.679 ca nhiễm trong đó 10.779 người chết tính đến sáng 30-3 (giờ châu Âu).

Số người chết trong ngày 29-3 vẫn ở mức cao: 756. Tuy nhiên, có tín hiệu vui là cố ca nhiễm mới trong ngày 29-3 ở Ý giảm thấp nhất từ đầu dịch: 5.217, tương đương 5,6%.

Dù ca nhiễm mới có dấu hiệu giảm nhưng ngày 29-3 nhà chức trách Ý cho biết khả năng lớn nước này vẫn sẽ kéo dài thời gian phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Quyết định chính thức sẽ có vài ngày tới. Với tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia hiện tại, Thủ tướng Giuseppe Conte có quyền gia hạn thời gian phong tỏa đến ngày 31-7.

Đức đã trở thành nước có dịch nghiêm trọng thứ ba châu Âu và thứ năm thế giới với số ca nhiễm hiện là 63.079 với 545 người chết.

Theo người phát ngôn chính phủ Đức ngày 30-3, đà lây nhiễm tăng quá nhanh và Đức chưa thể dỡ bỏ các hạn chế với đời sống công cộng lúc này.

Pháp đang có 40.174 ca nhiễm (cao thứ tư châu Âu và thứ bảy thế giới) với 2.606 người chết (cao thứ tư châu Âu và thứ năm thế giới). Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cảnh báo 15 ngày tới thậm chí sẽ còn khó khăn hơn 15 ngày qua.

Trước nhà thờ Saint-Etienne tại thị xã Mulhouse thuộc tỉnh Haut-Rhin, vùng Grand Est (Pháp) mùa dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS

Toàn nước Pháp hiện có gần 19.000 bệnh nhân nhập viện, trong đó gần 4.650 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Vì các bệnh viện ở miền Đông quá tải, Pháp đã phải dùng hai chuyến tàu cao tốc TGV và một máy bay quân sự của Đức để di chuyển hàng chục bệnh nhân nặng sang các bệnh viện ở miền Nam. Pháp cũng chuyển một số bệnh nhân đến TP Ulm (miền Nam nước Đức) sau khi nước chủ nhà đồng ý nhận.

Anh đang là nước có dịch nghiêm trọng thứ năm châu Âu và thứ tám thế giới khi có 19.522 ca nhiễm với 1.288 người chết.

Tin tốt là ngày 30-3 thái tử Charles đã không còn cách ly, sức khỏe ổn định, người phát ngôn của ông thông báo. Thái tử Charles 71 tuổi, cách ly bảy ngày trước sau khi có xét nghiệm cho kết quả ông nhiễm COVID-19.

Thái tử Charles đã không còn cách ly, ảnh chụp ngày 4-3. Ảnh: REUTERS

Hiện ông có thể tham gia các cuộc họp, bên cạnh đó tập thể dục nâng cao thể trạng theo hướng dẫn y tế.

Vợ ông - công nướng Camilla dù xét nghiệm âm tính với virus gây dịch COVID-19 vẫn đang cách ly đến hết tuần, phòng trường hợp bà có triệu chứng.

Nữ hoàng Elizabeth 93 tuổi và phu quân Philip 98 tuổi đang ở lâu đài Windsor, sức khỏe vẫn ổn định.

Tuy nhiên, có một tin không tốt là ngày 30-3 ông Dominic Cummings - cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Boris Johnson đã phải cách ly với các triệu chứng nhiễm COVID-19.

Ông Dominic Cummings (ảnh) - Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Boris Johnson tới nhà tại London (Anh) ngày 23-3. Ảnh: REUTERS

Theo người phát ngôn văn phòng thủ tướng, ông Cummings - một trong những nhân vật quyền lực nhất chính phủ Anh phát triệu chứng từ cuối tuần và hiện đang nghỉ ngơi ở nhà. Chưa có thông báo về việc ông này có xét nghiệm chưa và kết quả thế nào.

Thủ tướng Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock vẫn đang trong thời gian cách ly vì nhiễm COVID-19. Trưởng cố vấn y tế chính phủ Chris Whitty cũng đang cách ly nhưng chưa xác nhận nhiễm hay không.

Theo Reuters, ông Cummings được nhìn thấy chạy nhanh ra khỏi dinh thủ tướng Anh sau khi Thủ tướng Johnson thông báo mình nhiễm bệnh. Dinh thủ tướng không trả lời câu hỏi về động thái này của ông Cummings, Reuters cho biết.

COVID-19 châu Âu: Ngày bi thảm
COVID-19 châu Âu: Ngày bi thảm
(PLO)- Châu Âu trải qua ngày bi thảm nhất kể từ đầu dịch COVID-19 đến giờ với hơn 2.000 người chết chỉ trong một ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm