Điều chỉnh kịp thời các biện pháp phòng, chống COVID-19

(PLO)- Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua (từ ngày 21 đến 25-3), Việt Nam ghi nhận 64 ca mắc COVID-19. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 11 triệu ca mắc, hơn 43.000 ca tử vong, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc.

Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 tại nước ta hiện nay, cũng như nhận định về diễn biến dịch trong tương lai, Bộ Y tế cho biết: Ngày 27-1-2023, WHO vẫn tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).

Ngày 17-3-2023, WHO cho rằng cần tiếp tục đánh giá xem virus SARS-CoV-2 có tiếp tục biến đổi hay không; tiếp tục triển khai tiêm vaccine tới từng người dân, nhất là ở các nước kém phát triển.

Tiêm vaccine mũi bổ sung cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại điểm tiêm Trường ĐH Công nghiệp (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào năm 2022. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tiêm vaccine mũi bổ sung cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại điểm tiêm Trường ĐH Công nghiệp (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào năm 2022. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tại Việt Nam, tình hình dịch có xu hướng giảm theo thời gian cả về số mắc và phạm vi địa lý. Dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nước ta vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới COVID-19, thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Bộ Y tế đã xây dựng “Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế” để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38 ngày 17-3-2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 128 ngày 11-10-2021 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Ngành y tế sẽ tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao; đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc COVID-19 tăng cao.

Bộ Y tế đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh; tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới.

Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, nhà khoa học theo dõi chặt chẽ, thường xuyên đánh giá tình hình dịch COVID-19.

Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch và bảo đảm sức khỏe người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm