Cuộc chiến công nghệ mới giữa các ngân hàng

Để đối đầu với làn sóng đổ bộ của các ngân hàng quốc tế vào Việt Nam, các ngân hàng trong nước đang phải chuẩn bị nhiều phương án, đặc biệt là việc nâng cấp công nghệ.

Vào Internet thay vì đến ngân hàng

Hiện các ngân hàng đang tăng tốc cuộc đua về đầu tư thiết bị mới. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán, chi trả qua mạng theo mô hình ngân hàng điện tử cũng nở rộ. Trong đó, Ngân hàng Đông Á đang triển khai hệ thống máy thanh toán ATM TK21 do chính ngân hàng này sản xuất. Đây cũng là chiếc máy ATM đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

Với chiếc máy mới này, ngoài chức năng như thẻ ATM thông thường, người tiêu dùng còn có thể dùng nó để kiểm tra tiền giả. Đặc biệt, máy còn có thể đổi ngoại tệ sang tiền Việt và ngược lại mà không cần đến thẻ đăng ký. Có nghĩa là sau khi cho tiền vào máy, khách hàng có thể chọn đổi khi nhận thấy giá trị hợp lý, chứ không nhất thiết là khi đã bỏ tiền vào máy thì phải đổi. Trong thời gian tới, Đông Á sẽ lắp đặt 800 máy tại TP.HCM, đặc biệt là ở sân bay, các khu trung tâm thương mại và các địa điểm đông người.

Cùng với làn sóng trên, mạng thanh toán trực tuyến Paynet, tuy mới xuất hiện nhưng cũng đã gây được sự chú ý cho cả người tiêu dùng lẫn giới kinh doanh ngân hàng. Paynet hoạt động dưới dạng một ngân hàng điện tử. Thế mạnh của mạng này là các dịch vụ chuyển đổi thanh toán cước.

Thừa thắng xông lên, mới đây đơn vị này đã cho ra đời hệ thống thanh toán điện tử online. Hệ thống này thay thế cho các loại thẻ Visa/Master card của các ngân hàng, vì Paynet đã được liên thông giữa các ngân hàng. Ngoài ra, Paynet còn được sử dụng để thanh toán các loại cước điện thoại, điện, nước...

Không dừng lại ở đó, mới đây Paynet còn giới thiệu hệ thống mPay. Hệ thống này được xem là “ví điện tử di động” vì khách hàng có thể thực hiện các giao dịch khác nhau qua Internet.

Giao dịch điện tử tăng vọt

Theo thống kê của Cục Công nghệ tin học, thuộc Ngân hàng Việt Nam, lượng giao dịch điện tử trong năm 2004 chỉ có 1,5 triệu lần/năm. Trong khi đó, chỉ đến giữa năm 2007 đã có 4,5 triệu lượt giao dịch. Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại TP.HCM, đến cuối năm 2006 đã có hơn 85% các nghiệp vụ ngân hàng được tin học hóa. Thanh toán điện tử liên ngân hàng tại TP.HCM trung bình đạt khoảng 5.000 tỷ đồng/ngày, các món hàng xử lý được bán qua mạng là 10.000 món/ngày. Hiện nay, số thẻ ATM tại TP.HCM đạt gần ba tỷ thẻ với doanh số hơn 80 ngàn tỷ đồng.

Cũng theo ông Hạnh, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước chủ trì đã có 71 ngân hàng tham gia với gần 300 chi nhánh. Đến nay chỉ còn năm ngân hàng chưa hoàn thành hệ thống online. Tuy nhiên, các ngân hàng trên trong quá trình xây dựng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2008.

Với tình hình phát triển về công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề nhân lực và đào tạo cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn. Các ngân hàng cần sự đồng thuận trong việc nhận thức, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng các dịch vụ hiện đại, trong các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Thẻ ATM: Mỗi ngân hàng đưa ra lợi thế riêng

Cuộc cạnh tranh giành thị phần thẻ ATM dễ nhìn thấy nhất là sự xuất hiện ngày càng nhiều thẻ đa năng. VIB Bank có thẻ ghi nợ nội địa mới - VIB Values Platinum Card. Bên cạnh dòng sản phẩm VIB Values Gold, khách hàng sử dụng thẻ VIB Values Patinum sẽ được sử dụng các dịch vụ gia tăng như thấu chi tài khoản lương, có thể kết nối tới tài khoản ngoại tệ. Hệ thống ATM của VIB Bank có thể kết nối được với hệ thống ATM của Vietcombank gồm 20 ngân hàng khác.

Trước đó, Vietcombank kết hợp với MobiFone cung cấp dịch vụ thanh toán qua thẻ cho thuê bao trả sau của mạng di động này. VinaPhone cũng bắt tay ngân hàng và trở thành nhà cung cấp mạng có hệ thống thanh toán qua ATM phong phú nhất. Khách hàng của VinaPhone có thể trả cước bằng thẻ của Vietcombank, Incombank và Đông Á. Mới đây, S-Fone đã chính thức triển khai thử nghiệm dịch vụ thanh toán cước qua ATM tới các thuê bao có đầu số 095, còn EVN Telecom và HT Mobile tỏ ra “chậm chân” hơn khi dừng lại ở mức cho phép khách hàng thanh toán chuyển khoản.

Ngân hàng Đông Á cũng không chịu thua kém khi cho ra đời các hệ thống thanh toán thẻ “ngân hàng tự động”. Tiền gửi tiết kiệm được gửi vào máy và chữ ký được ghi nhận qua màn hình cảm ứng điện từ.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm