Cùng nhạy bén và tham gia làm các dự án công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM theo phương thức BOT nhưng PMC quả là cao thủ cắt đứt các nguồn lợi của CII.
Những năm từ sau 2000, Sở GTCC (nay là Sở GTVT) được UBND TP.HCM giao nghiên cứu hàng loạt dự án cầu, đường ở hướng đông bắc TP, chẳng hạn: mở rộng xa lộ Hà Nội (XLHN), xây dựng cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc mới, mở rộng liên tỉnh lộ 25B… Nhưng các dự án này triển khai rất chậm vì thiếu vốn nên thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án theo hình thức BOT.
Bắt đầu chạy đua
Năm 2007, sau hơn năm năm mua lại quyền thu phí tuyến đường Kinh Dương Vương và Điện Biên Phủ từ UBND TP, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) ký bản ghi nhớ sẽ đầu tư mở rộng XLHN theo hình thức BOT. Đây là tín hiệu cho thấy phương thức BOT dù qua nhiều bước chuyển chủ nhưng vẫn và sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư xã hội.
Cuối năm 2009, Công ty CP Đầu tư và xây dựng XLHN được thành lập và thay mặt cho CII thực hiện dự án trên. Tháng 11-2009, CII và Công ty CP Đầu tư và xây dựng XLHN ký hợp đồng BOT mở rộng XLHN với Sở GTVT.
Ông Lê Vũ Hoàng - Tổng Giám đốc CII (trái) và ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTCC đại diện cho UBND TP ký bản ghi nhớ đầu tư BOT mở rộng XLHN hồi tháng 3-2007. Ảnh: LĐ
Từ năm 2005 đến 2009, Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ (PMC) cũng tham gia làm các công trình cầu Phú Mỹ nối quận 7 với quận 2, đường trên cao nối cầu Phú Mỹ với nút giao khu A của đô thị Phú Mỹ Hưng và nút giao khu A gồm nhiều tầng để nối hai hạng mục trên với đại lộ Nguyễn Văn Linh.
PMC hút nguồn thu ngay mạch giao thông chủ
Từ giữa năm 2009, CII rầm rộ triển khai hàng loạt công trình như khởi công xây dựng cầu Giồng Ông Tố mới trên liên tỉnh lộ 25B, ứng vốn và khởi công xây dựng cầu Rạch Chiếc mới trên XLHN, chính thức mở rộng XLHN… Những động thái này cho thấy CII quyết nắm lấy mạch chủ ở cửa ngõ đông bắc, nắm nguồn thu phí lớn nhất TP từ các luồng xe lưu thông trên XLHN và luồng xe tải nặng từ liên tỉnh lộ 25B xuống cảng Cát Lái.
Cùng thời điểm, PMC đẩy tốc độ xây dựng cầu Phú Mỹ và hai hạng mục liên quan để đến tháng 9-2009, cầu Phú Mỹ xong, thông xe. Tháng 4-2010, đường nối trên cao và nút giao khu A xong một phần và đưa vào khai thác ngay. PMC bắt đầu thu phí qua cầu Phú Mỹ.
Cạnh đó, lãnh đạo PMC tuyên bố mạnh mẽ: sẽ làm luôn, làm ngay đoạn đường nối tiếp của đường vành đai phía đông dài hơn 7 km, bắt đầu từ đường dẫn lên xuống cầu Phú Mỹ giao cắt với liên tỉnh lộ 25B (quận 2) ra đến ngã tư Bình Thái để đấu nối vào XLHN.
“Tọa độ lửa” trong cuộc “giao tranh” giữa PMC và CII chính là nút giao Bình Thái do PMC xây dựng và khai thác. Đây là điểm hút tất cả dòng xe từ hướng Đồng Nai đi vào XLHN đến ngã tư Bình Thái, rẽ vào đường vành đai phía đông, lên cầu Phú Mỹ và xuống đại lộ Nguyễn Văn Linh, đi về các tỉnh miền Tây và ngược lại. Như vậy, tất cả dòng xe sẽ không phải qua Trạm thu phí XLHN mới được dời của CII - đặt giữa ngã tư Tây Hòa và cầu Rạch Chiếc nữa.
Giới đầu tư nhận xét: Nút giao Bình Thái chính là “họng” của mạch chủ XLHN, đại lộ Đông Tây. PMC sẽ đặt “ống” để hút lợi nhuận từ các dòng xe về phía mình.
Niềm đau của CII: Xe qua cầu Phú Mỹ được thối tiền tại cabin của CII để đi vào liên tỉnh lộ 25B và XLHN. Ảnh: LĐ
CII thua trắng với người nhà
Trên website của CII cho hay để đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ, tháng 7-2003, liên doanh gồm năm đơn vị thành viên đã thống nhất lập ra PMC với số vốn điều lệ là 500 tỉ đồng. CII là một trong năm thành viên trên với số vốn tham gia chiếm 16% vốn điều lệ của PMC và được chỉ định sẽ là đơn vị thực hiện dịch vụ thu phí giao thông sau khi cầu Phú Mỹ hoàn thành, đưa vào khai thác. Theo điều lệ của PMC, ngoài việc được chia lợi nhuận theo tỉ lệ vốn góp, CII sẽ có thêm lợi nhuận từ dịch vụ thu phí giao thông cầu Phú Mỹ.
Thế nhưng ngay khi cầu Phú Mỹ sắp hoàn thành, PMC đã chuyển hướng, lên kế hoạch và từ tháng 4-2010 bắt đầu tự tổ chức thu phí với xe đi qua cầu này và hai mục liên quan nêu trên. Như vậy, với một động tác tự tổ chức thu phí cầu Phú Mỹ, PMC đã cắt được nguồn lợi trước mắt và tương lai của CII.
Chưa hết, sau khi tự tổ chức thu phí cầu Phú Mỹ, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, xuất hiện trên các báo “đấu” cho các nhà xe sử dụng cầu Phú Mỹ quyền không phải trả phí khi đi qua, đi lại trên XLHN, liên tỉnh lộ 25B (mà không ra vào nội đô trên đường Điện Biên Phủ). Cuối cùng, CII buộc phải đặt hai cabin ngay trước Trạm thu phí cầu Phú Mỹ của PMC để trả lại tiền cho các nhà xe khi đi qua hai tuyến đường trên. Đau cho CII là mất đi khoản lợi nhuận lớn tưởng rằng thu được khi dời Trạm thu phí XLHN cũ ra vị trí mới.
Những việc làm đúng luật của PMC khiến CII không thể cãi được. Bởi dù sao CII vẫn là người nhà, thành viên của PMC. Đồng thời, nó còn đặt CII trước nỗi lo khi PMC đã và sẽ xuất những chiêu thức cạnh tranh khác.
Phức tạp lắm! PMC đã “lờ” thỏa thuận trước đây dù thỏa thuận đó đã được đưa vào điều lệ công ty, đóng dấu đỏ chói gửi tới các cơ quan chức năng. CII cũng chỉ là một thành viên nên không thể quyết và đòi lại quyền tổ chức thu phí. Chuyện làm ăn, giành nhau mà! Đau… Buồn… Phức tạp lắm! Bà NGUYỄN MAI BẢO TRÂM, Giám đốc đầu tư và kế hoạch của CII, nói với báo Pháp Luật TP.HCMtại lễ hợp long cầu Giồng Ông Tố ngày 28-4 |
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
(Còn tiếp)