Cuộc đời giản dị của Phó giám đốc thiệt mạng trên đường đi cứu trợ

Dưới cơn mưa không ngớt chiều 2/10, hàng trăm người dân, bạn bè đồng nghiệp, người thân, đã đưa thi thể ông Dũng về nơi an nghỉ cuối cùng - quê nhà xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Trong đám tang, bà Phạm Thị Hà, vợ người xấu số nhiều lần cố vươn tới ôm lấy quan tài chồng. Bà được 3 người thân dìu đỡ, nhưng cũng như 2 cậu con trai, bà dường như không chịu nổi sự ra đi đột ngột của chồng. "Anh ơi, hôm qua trước lúc đi anh còn dặn em ở nhà cứ đến giờ thì ăn cơm trước không phải để phần vì anh đi công tác gấp. Sao lại ra nông nỗi này anh ơi!", tiếng khóc của bà mờ trong mưa.

Chiều 1/10, khi ông Dũng xách cặp ra khỏi nhà để đến cơ quan, thấy ông đang bị đau mắt đỏ, bà đã khuyên ông nên xin nghỉ ở nhà để thuốc thang cho khỏi. "Việc đang trong lúc nóng bỏng nhất, cả tỉnh đều phải tập trung chống bão lũ, cứu trợ dân, mình là lãnh đạo càng phải gương mẫu", ông nói với vợ, rồi cầm cặp đi...

Cuộc đời giản dị của Phó giám đốc thiệt mạng trên đường đi cứu trợ ảnh 1


Hình ảnh ông Dũng được bạn bè chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của ông, sau khi ông mất.
Ông Dũng đã cùng tài xế đi ôtô 7 chỗ chở mì tôm và lương thực dẫn đường cho một xe tải chở gần 10 tấn mì tôm đi cứu trợ khẩn cấp dân vùng lũ Hoàng Mai. Khi chạy trên quốc lộ 1A đoạn cách sông Hoàng Mai chừng 70 m, nước lũ dâng cao gần 1 m cuốn trôi xe. Tài xế may mắn lao ra ngoài thoát chết, còn ông Dũng bị nước cuốn trôi cùng xe. Sáng hôm sau, lực lượng cứu hộ đã trục vớt chiếc xe với thi thể ông Dũng trong tư thế ngồi thắt đai an toàn ở ghế trước, cùng nhiều hàng cứu trợ. "Sao bố đi công tác vùng lũ mà không nhắn tin cho con biết. Bố đi rồi thì còn ai hàng ngày để dạy dỗ nhắc nhở chúng con nữa...", con trai út Nguyễn Tài Tuấn chống gậy đội nón, nghẹn ngào trước linh cữu cha. Trước lễ tang, con trai lớn Nguyễn Tài Vinh ngậm ngùi chia sẻ trên trang cá nhân: "Cả một đời tiết kiệm lo cho vợ con, lúc ra đi trong ví của ông chỉ vỏn vẹn hơn 100 nghìn đồng...". Ông Dũng xuất thân trong gia đình khoa bảng hiếu học xứ Nghệ, dòng họ Nguyễn Tài. Ông là cháu của nhà ngôn ngữ học, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Họ tộc này vẫn luôn tự hào về 2 vị đại khoa danh giá dưới thời Trần là Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên khi mới 12 tuổi và Hoàng giáp đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Trung Ngạn đỗ đạt lúc 16 tuổi. Dòng họ này có 4 chi lấy 4 chữ lót "Công - Danh - Tài - Đắc" làm tên đệm, như để nhắc nhở cháu con các thế hệ phải thường xuyên tu dưỡng làm người có ích cho dòng họ, cho đất nước. Ông Dũng được đồng nghiệp, hàng xóm, họ hàng... đánh giá là người khiêm tốn, giản dị, giỏi văn thơ, sống chan hòa với mọi người. Là con liệt sĩ, ông Dũng ra đi khi chỉ còn hơn một tháng nữa đến sinh nhật tuổi 51, ngoài vợ và 2 con ông còn để lại mẹ già 82 tuổi. Bà Nguyễn Thị Tám mẹ ông ngất liên tục khi hay tin dữ về đứa con trai duy nhất.   Chú họ của ông Dũng, Nguyễn Tài Tiến nghẹn ngào kể lại, dù bận việc công nhưng hễ rỗi lúc nào là ông lại tranh thủ về thăm mẹ già và bà con lối xóm. Mới mấy ngày trước cơn bão số 10, ông Dũng về quê chơi và còn dặn mùa mưa lụt anh em bà con ở nhà phải cẩn thận. Ở gần nhà ông Dũng tại phường Lê Mao (thành phố Vinh), chị Tâm xin nghỉ làm một ngày để bắt xe đò vượt gần 60 km về Thanh Chương tiễn đưa người hàng xóm của mình. "Với bà con láng giềng trong khối anh Dũng rất bình dân. Bất kể cuộc họp khối hay phong trào gì phường đưa ra anh đều là người đi đầu", chị Tâm kể. Người nữ láng giềng này nói rằng hàng năm mỗi khi có phong trào kêu gọi ủng hộ bão lũ hay người khuyết tật... ông Dũng luôn là người khởi xướng để vận động bà con. Dưới làn mưa, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Phan Thanh Tịnh nghẹn ngào, ngắt quãng từng hồi khi đọc điếu văn người đồng nghiệp cấp dưới. Ông thốt lên: "Đau xót quá Dũng ơi...". Ngồi bệt ở bãi cỏ phía sau khu mộ, lái xe riêng của ông Dũng là Hoàng Duy Tiến nét mặt phờ phạc, hai mắt đỏ hoe. Hơn 5 năm nay Tiến là tài xế chính của ông Dũng. "Đêm ấy do có lịch thay đổi nên em không lái xe đi cùng anh Dũng mà để cho tài xế khác lái, ai ngờ gặp nạn", Tiến tự trách mình về tai nạn. Người tài xế nhớ lại, là lái chính cho ông Dũng nhiều năm qua nên Tiến luôn đồng hành với ông trong các chuyến đi. "Hầu như có việc gì khó khăn trong cuộc sống em cũng được anh Dũng chia sẻ. Nhiều lúc chạy xe căng thẳng là anh Dũng lại đọc thơ cho em nghe, hỏi han chuyện gia đình, kể chuyện vui cho đỡ buồn ngủ", Tiến kể. Bày tỏ sự tiếc thương người ra đi đột ngột trên đường làm việc thiện, nhiều độc giả VnExpress.net. đã gửi lời chia sẻ. Trang cá nhân Facebook của ông Dũng 2 ngày qua tràn ngập lời chia buồn từ người quen biết và cả những người chỉ quen qua mạng. Bạn bè vẫn đang lan truyền những câu chuyện về ông, ngày còn học ở Nga, thời niên thiếu hay kỳ đương chức. Hình ảnh về ông Dũng cũng được chia sẻ tràn ngập trang Facebook. Bài thơ được cho là sáng tác cuối cùng của ông được lan truyền như lời kết khép lại một cuộc đời:
“Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Là tiếng cháu khóc nhè và tiếng vợ à ơi
Cảm ơn người cho ta nghị lực
Để vươn lên trong cuộc vơi đầy
Ước gì trời đất ấm lên
Để cho con cháu say men đất trời”.

Ông Nguyễn Tài Dũng sinh năm 1962, quê xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Năm 20 tuổi, ông làm việc ở Nhà máy dệt Minh Khai tại Vinh, giữ chức tổ trưởng sản xuất, tổ trưởng công đoàn. 9 năm sau, ông sang Nga học Đại học Công đoàn Liên Xô cũ và Học viện Quan hệ lao động - xã hội Liên bang Nga. Về nước, ông giữ chức Phó chủ tịch CĐ ngành thương mại Nghệ An rồi học cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Năm 2002, ông giữ chức Chủ tịch CĐ ngành thương mại; đến năm 2006 là Phó giám đốc Sở thương mại kiêm Chủ tịch CĐ ngành. Tháng 4/2008, khi sáp nhập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại, ông Dũng tiếp tục nhận trọng trách Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An tới nay. Ông từng được Thủ tướng tặng bằng khen; được tặng Huy chương Vì sự nghiệp CĐ, Huy chương Vì sự nghiệp thương mại...
.

Theo Hải Bình (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm