Cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt được nhắc tại toà

Ngày 15-5, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ Lê Thành Công (SN 1954, cựu Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương) bị truy tố về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Phiên tòa dự kiến kéo dài hai ngày.

Đáng chú ý hồ sơ vụ án này nhắc đến cựu Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt và sai phạm tại khu đất số 10 Âu Cơ.

Cáo trạng xác định mảnh đất tại số 10 Âu Cơ (TP.HCM) là tài sản Nhà nước do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là chủ sở hữu, Công ty Dệt kim Đông Phương (trực thuộc Vinatex) nhận nhiệm vụ quản lý, sử dụng.

Năm 2007, dù Vinatex không phê duyệt nhưng Công (khi đó là Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương) vẫn ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ nhằm bảo lãnh cho Công ty Tấn Phát vay Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam CN 6 (Agribank CN 6) 130 tỉ đồng.

Đến năm 2008, bị cáo Công lại ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất trên từ Công ty Dệt kim Đông Phương sang Công ty Đông Phương Phát. Hai bên thỏa thuận hợp tác xây dựng dự án trên mảnh đất.

Bị cáo Lê Thành Công tại tòa.

Như vậy, Công đã vượt thẩm quyền khi ký hợp đồng thế chấp bảo lãnh vay vốn và hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Chưa hết, sau khi ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Công tiếp tục ký giấy tờ đem quyền sử dụng đất thế chấp, gán nợ tại Ngân hàng Phương Nam. Trong khi, số nợ bên Agribank CN 6 chưa tất toán.

Việc làm trên tạo điều kiện giúp "siêu lừa" Dương Thanh Cường (người hầu toà hơn 10 lần với nhiều tội danh, hiện mang án chung thân) – người lập ra Công ty Tấn Phát và Đông Phương Phát chiếm đoạt 170 tỉ đồng của Agribank CN 6.

Cơ quan chức năng xác định trong quá trình ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng tài sản, Công không thực hiện đúng thủ tục định giá và bán đấu giá đối với quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ. Sai phạm trên khiến Vinatex thiệt hại hơn 33,8 tỉ đồng.

Hiện nay quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ được đăng bộ từ Công ty Dệt kim Đông Phương sang Công ty Đông Phương Phát. Tài sản bị mang đi thế chấp tại nhiều tổ chức tín dụng (Ngân hàng Phương Nam, Sacombank, Ngân hàng Liên Việt). Đáng nói, trên mảnh đất số 10 Âu Cơ đã xây dựng dự án có giấy phép, đã nghiệm thu và đang đưa vào sử dụng từ năm 2017. Do đó, cơ quan điều tra không kê biên và kiến nghị thu hồi mảnh đất này.

Liên quan đến vụ án, hồ sơ nhắc đến ông Đào Anh Kiệt (giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), ông Huỳnh Văn Thanh (phó Trưởng phòng quản lý sử dụng đất) và ông Ngô Huy Phan (chuyên viên Sở TN&MT TP.HCM) ký, tham mưu, làm thủ tục cho phép Công ty Dệt kim Đông Phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ từ sản xuất kinh doanh sang đất ở lâu dài để thực hiện Dự án xây dựng chung cư thương mại dịch vụ.

VKSND Tối cao cho rằng tại thời điểm đó, mặc dù chưa có quyết định hành chính nhưng UBND TP đã đồng ý chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất số 10 Âu Cơ thông qua các văn bản chỉ đạo, văn bản duyệt giá đất theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước TP xác nhận chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Bộ Tài chính có quyết định chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để lập Dự án xây dựng khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng theo quy hoạch. Xét vi phạm trên không trực tiếp gây ra hậu quả nên VKS kiến nghị UBND TP xem xét xử lý cựu giám đốc Sở này cùng hai cấp dưới đúng luật định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm