Sau hành trình từ Bắc cực đến Nam cực, cựu nghị sĩ người Úc - Pat Farmer đã đến Việt Nam chuẩn bị cho hành trình 40 ngày chạy bộ xuyên Việt với tên gọi Nối liền một dải Việt Nam. Sáng nay (7-12), Pat Farmer cùng thành viên đoàn chạy bộ sẽ bay đi Hải Phòng để di chuyển đến cột mốc Km 0 tại Sa Vĩ (Móng Cái, Quảng Ninh) chuẩn bị cho lễ xuất phát.
Chạy gây quỹ nước sạch cho Việt Nam
Hành trình của Pat Farmer còn có sự tham gia của Mai Nguyễn Đình Huy, du học sinh Úc tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại ĐH Macquarie (Sydney, Úc) năm 2009.
Về mục tiêu cuộc chạy bộ này, ông Pat cho biết: “Mục đích của chúng tôi rất rõ ràng: Đóng góp vào 40 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Úc - Việt Nam; giúp Hội Chữ thập đỏ Úc và Việt Nam quyên được tiền để ủng hộ dự án nước sạch tại Việt Nam. Và cuối cùng tôi muốn chạy với mong muốn cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Điều thú vị là hành trình chạy bộ của ông ở Việt Nam rơi vào dịp Giáng sinh và tết Dương lịch, đó là thời gian rất quan trọng để dành cho gia đình của người Úc và các quốc gia phương Tây nhưng ông và gia đình đã dành cho Việt Nam. Ông cho biết: “Hành trình xuyên Việt là món quà Giáng sinh năm nay chúng tôi muốn gửi đến các bạn Việt Nam. Vợ tôi đã mất cách đây vài năm, lâu nay hai con của tôi sống với tôi. Giáng sinh này hành trình của tôi sẽ đến Hội An, các con sẽ sang đón Giáng sinh cùng tôi ở Hội An. Sau đó hai cháu sẽ cùng là thành viên trong hành trình chạy bộ này cho đến cả năm mới”.
Pat Farmer và Mai Nguyễn Đình Huy sẽ thực hiện hành trình chạy bộ xuyên Việt trong vòng 40 ngày (từ 9-12-2012 đến 16-1-2013). Ảnh: VIỆT CƯỜNG
Nên sống thêm cho người khác
Sau hành trình từ Bắc cực đến Nam cực ông đã viết tác phẩm Pole to Pole - One Man, 20 Million Steps, được biết sách vừa xuất bản hồi giữa năm 2012, đến nay đã tái bản 10 lần. Trong chuyến Nối liền một dải Việt Nam, sách này được dịch sang tiếng Việt và phát hành với 3.000 bản và được trao tặng cho những ai có tham dự hành trình dưới tựa “Từ cực Bắc tới cực Nam - Một người, 20 triệu bước chân”.
Trong sách ông có nêu một trong những lý do ông chạy “xuất phát từ cảm giác tội lỗi vì đang sống một cuộc sống nhiều đặc quyền đặc lợi trong một đất nước nhiều đặc quyền đặc lợi”. Ông đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM cụ thể hơn về ý tưởng này: “Khi chúng tôi còn bé, bố mẹ chúng tôi đã dạy phải quan tâm đến người khác và sống vì người khác. Rồi sau cái chết đột ngột của vợ tôi khi cô ấy mới 34 tuổi (đột tử vì một triệu chứng bệnh tim chưa chẩn đoán ra - PV), tôi nhận ra thời gian của chúng ta trên cuộc đời quá ngắn ngủi, tôi có suy nghĩ rằng ngày mình còn lại trên cuộc đời này nên dành cho người khác nữa... Và đó là lý do tôi bắt đầu hành trình của mình và cũng là lý do tôi ngồi với các bạn hôm nay, ở Việt Nam”.
ông luôn cho rằng: “Tôi không dành nhiều thời gian để đứng trước gương xem tóc mình bao nhiêu sợi bạc. Bởi từ mắt tôi nhìn về phía trước tôi chỉ thấy những cơ hội để tôi có thể làm và biến nó thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng kích thước đáng để chúng ta quan tâm nhất là độ dài của trái tim mỗi người đến với người khác”.
Những kỳ công qua bút ký đơn sơ Khi dịch xong quyển sách tôi mới nghĩ tới sao mình không biết việc Pat Farmer làm trước đây? Nếu không làm sách, tôi sẽ không được biết những kỳ công của Pat thực hiện. Sách là một quyển bút ký du hành đơn sơ, thành thật. Qua những trang viết ông cho chúng ta thấy ông vẫn là người bị những cám dỗ thông thường, nhiều khi muốn buông xuôi... Nhiều khi ông tự hỏi mắc gì phải vượt qua sa mạc khổ như vậy, ông chỉ muốn vứt để về nằm với con cái nghỉ ngơi trên bãi biển... Nhưng ông đã vượt qua được. Trong thời buổi người người, nhà nhà sốt ruột làm giàu mà có người có thể sống khác như thế là một điều rất đáng trân quý. ông PHẠM VIÊM PHƯƠNG, đồng dịch giả quyển sách Pole to Pole - One Man, 20 Million Steps |
QUỲNH TRANG