Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin đến Campuchia

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin đến Campuchia ảnh 1

Ông Thaksin Shinawatra đã đến Phnom Penh sáng nay 17/9.
Tin cho biết đông đã gặp nhiều quan chức Campuchia, trong đó có một thành viên trong văn phòng của Thủ tướng Hun Sen. Tuy nhiên, không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra.

Chính khách tỉ phú Thaksin Shinawatra được nhiều người xem là động lực chính của đảng chính trị mới lên nắm quyền ở Thái Lan, mặc dù ông không nắm giữ chức vụ nào trong chính phủ.

Phnom Penh nhiều lần nói rằng ông Thaksin không có quyền thảo luận những vấn đề song phương có tính chất quan trọng, và theo lời của phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan, điều đó đã được Thủ tướng Hun Sen khẳng định hồi đầu tuần này:

"Vì ông Thaksin không nắm giữ vị trí nào trong chính phủ Thái Lan nên ông ấy chỉ là một người bình thường. Ông ấy không còn là cố vấn của thủ tướng, nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng ông ấy”.

Chuyến đi của ông Thaksin diễn ra tiếp theo chuyến công du của em gái ông là đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Bà Yingluck đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Campuchia ngày 15/9 để tìm cách cải thiện mối quan hệ song phương.

Các giới chức Campuchia khẳng định việc ông Thaksin đến thăm Phnom Penh chỉ một ngày sau chuyến công du của em gái ông là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ông Phay Siphan cho biết ông Thaksin tới Campuchia để đọc hai bài diễn văn: "Ông ấy sẽ chia sẻ với Campuchia về vấn đề kinh tế. Và ông ấy sẽ đọc một bài diễn văn về tương lai của ASEAN trong lãnh vực kinh tế. Vì vậy ông ấy có hai diễn đàn. Một diễn đàn có tính chất nội bộ đối với chính phủ để cải cách kinh tế Campuchia. Và diễn đàn thứ nhì sẽ là chia sẻ với những người khác, như các cựu lãnh đạo ASEAN và những nhà nghiên cứu. Ông ấy sẽ nói về tương lai của ASEAN."

Hôm 15/9, Thủ tướng Yingluck của Thái Lan và Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đồng ý giảm thiểu căng thẳng ở khu vực biên giới có tranh chấp bằng cách tuân hành một án lệnh mà Tòa án Quốc tế đưa ra hồi tháng 7.

Họ cũng đồng ý mở lại những cuộc đàm phán vốn gặp bế tắc về nhiều vấn đề, kể cả việc giải quyết những tuyên bố chồng chéo nhau về quyền sở hữu những trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trong Vịnh Thái Lan và việc phân định đường biển giới trên bộ.

Theo Hà Khoa (Dân trí / Reuters, Bangkok Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm