Đại gia trong hẻm được chi 4,6 tỉ đô thâu tóm Sabeco?

Ngày 14-12, Bộ Công Thương đã công bố chi tiết về việc nhà đầu tư chào mua cạnh tranh công khai cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo đó, để thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật về cạnh tranh, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.

Cụ thể, nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai theo Luật Chứng khoán phải thực hiện báo cáo ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước khi thực hiện bảy ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.

Ngày 11-12 là thời hạn cuối để công bố thông tin về nhà đầu tư mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco.

Đến 18 giờ ngày 11-12-2017, đã có một nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco đã thực hiện công bố thông tin là Công ty TNHH Vietnam Beverage.

Theo Bộ Công Thương, Vietnam Beverage thành lập tháng 10-2017, có vốn điều lệ 681 tỉ đồng; hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính.

Vietnam Beverage là một công ty mới thành lập tại Việt Nam và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do Tập đoàn ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại Hong Kong.

Công ty này mong muốn mua 327 triệu cổ phần của Sabeco, tương đương xấp xỉ 51% toàn bộ vốn cổ phần của Sabeco với một số điều kiện. Nguồn vốn sử dụng mua cổ phần: Vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Như vậy, Bộ Công Thương khẳng định việc thông báo trước bảy ngày là thực hiện đúng quy định về việc công bố thông tin nhằm mục đích công khai, minh bạch, đảm bảo thời gian cho các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xác minh sự tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của Luật Cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật về đầu tư nước ngoài, chứng khoán và tài chính.

Đây chỉ là điều kiện cần để nhà đầu tư mong muốn mua trên 25% được phép đặt cọc. Trong trường hợp đã thực hiện các thủ tục liên quan đến đặt cọc, nếu nhà đầu tư xét thấy mức giá chào bán không phù hợp, có thể đề nghị ban tổ chức chào giá cạnh tranh rút đặt cọc và không tham gia phiên chào bán cạnh tranh trước 16 giờ ngày 17-12-2017.

“Như vậy Vietnam Beverage có tham gia đặt cọc, đăng ký phiên chào bán cạnh tranh vào ngày 18-12 hay không sẽ có kết luận sau 16 giờ ngày 17-12” - Bộ Công Thương cho hay.

Về tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco, Bộ Công Thương cho biết đối chiếu với các quy định trên thì tỉ lệ sở hữu nước ngoài mà cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên tại Sabeco tối đa là 49%.

Như vậy, trường hợp tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên có ý định mua cổ phần của Sabeco thì họ chỉ có thể mua 49% Sabeco.

Trường hợp Công ty Vietnam Beverage có vốn của nước ngoài nắm giữ 49% thì không thuộc đối tượng áp dụng của quy định tỉ lệ sở hữu nước ngoài nói trên. Điều này có nghĩa Vietnam Beverage được phép mua với tỉ lệ tối đa 51%.

Công ty Vietnam Beverage của tỉ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi. Nếu đăng ký mua hơn 327 triệu cổ phiếu Sabeco thì với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, công ty của tỉ phú Thái Lan phải bỏ ra  khoảng 4,6 tỉ USD.

ThaiBev là nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Thái Lan với mức giá trị vốn hóa 4 tỉ USD, thuộc Tập đoàn TTC ở Thái Lan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm