Đại hạ giá căn hộ để trả nợ ngân hàng

Trước việc nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) bán đại hạ giá căn hộ, khuyến mãi, chiết khấu lớn… nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng về hiện tượng domino trên thị trường vốn.

Xả hàng

Sự kiện Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) vì khó khăn thị trường và áp lực tài chính buộc phải bán giảm giá 85 căn hộ Petro Việt Nam Landmark (quận 2, TP.HCM) đến gần 35% (giá từ 21,36 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2) vừa gây sốc xong thì đến lượt một số DN BĐS khác cũng đại hạ giá sản phẩm.

Ngày 31-10, thông tin từ Công ty BĐS Mega cho biết DN hiện đang đàm phán để trong tháng 11 này phân phối gần 500 căn hộ thuộc dự án An Tiến (Nhà Bè) do Công ty Sài Gòn Mê Kông đầu tư. Một yếu tố cũng gây sốc là giá bán căn hộ An Tiến sẽ giảm khoảng 3,5 triệu đồng/m2, từ khoảng 19 triệu đồng/m2 xuống còn 14,5 triệu đồng/m2, như vậy tương đương giảm giá hơn 20%.

Phần còn lại ở thị trường thì xu hướng giảm giá bán căn hộ cũng diễn ra đại trà ở một số DN BĐS khác. Nguyên nhân được DN lý giải là do áp lực thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng nên phải đẩy sản phẩm ra dưới nhiều hình thức mà phổ biến nhất là khuyến mãi, cho thanh toán kéo dài...

Đại hạ giá căn hộ để trả nợ ngân hàng ảnh 1

Công ty Sài Gòn Mê Kông đang bán cắt lỗ để thu hồi vốn đầu tư ở dự án An Tiến (Nhà Bè, TP.HCM). Ảnh: MT

Theo nhiều sàn giao dịch thì người mua, người có tiền mặt lúc này đang trở thành đối tượng được giới kinh doanh BĐS săn đón nhất.

Cắt lỗ

Trong dòng chủ lưu thời sự về DN BĐS bán tháo sản phẩm nổi lên chuyện cắt lỗ, bán thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng.

Nếu như ở dự án căn hộ Petro Việt Nam Landmark, ông Hoàng Ngọc Sáu, Tổng Giám đốc Công ty PVL, thừa nhận phải bán giảm giá số lượng lớn căn hộ vì áp lực tài chính (lãi vay cao) thì một số DN khác cho biết bán giảm giá căn hộ để cắt lỗ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai - chủ đầu tư dự án An Tiến, cho biết Công ty Sài Gòn Mê Kông lúc trước mua sỉ căn hộ từ Công đoàn Ngân hàng BIDV (HAGL bán sỉ căn hộ An Tiến cho Công đoàn BIDV) với giá trung bình 18 triệu đồng/m2. Nếu bây giờ bán ra giá 14,5 triệu đồng/m2 là nhằm thu hồi vốn đầu tư.

“Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Mê Kông nói với tôi là lúc trước trúng chứng khoán nên đầu tư vào căn hộ An Tiến. Cũng may là mua căn hộ nên giờ bán giảm giá cũng thu hồi được vốn. Chứ nếu để tiền đó mà đầu tư chứng khoán thì chưa biết giờ sẽ ra sao. Tôi cũng mong Sài Gòn Mê Kông bán được sản phẩm. Vì có bán thành công thì công ty này mới thanh toán tiền mua căn hộ cho HAGL” - ông Hùng cho biết.

Không chỉ có các DN đầu tư thứ cấp bán tháo ra căn hộ mà nhiều chủ đầu tư khát vốn cũng bán luôn dự án với giá thấp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết áp lực của các DN BĐS lúc này là bán hàng thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng.

“Tôi biết ban lãnh đạo nhiều DN BĐS đang đau đầu tìm giải pháp bán hàng từ hòa vốn, giảm giá tối đa đến bán lỗ. Có chủ đầu tư lúc trước kỳ vọng bán nguyên dự án lãi trên 200 tỉ đồng, giờ mà bán lãi từ 20 tỉ đồng cũng bán” - ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Hàng loạt DN niêm yết cũng báo lỗ

Do thị trường ảm đạm, tín dụng ngân hàng siết chặt, nhiều công ty BĐS niêm yết trên sàn báo lỗ kết quả kinh doanh quý III.

Công ty Đầu tư Kinh doanh nhà Intresco lỗ trong quý III là 38,7 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, công ty lỗ 80,9 tỉ đồng. Trong khi kế hoạch cả năm lãi 100 tỉ đồng.

Công ty mẹ của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc lỗ 23,2 tỉ đồng trong quý III.

Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt lỗ 7,2 tỉ đồng.

Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội lỗ 6,2 tỉ đồng trong quý III…

Căn hộ đã về ngưỡng thấp nhất

Giá căn hộ rớt về dưới 15 triệu đồng/m2 là ngưỡng thấp nhất, nếu có thêm chính sách khuyến mãi, hỗ trợ thanh toán thì rất hấp dẫn cho người có nhu cầu mua nhà ở. Vì chỉ cần phân tích giá vốn đầu vào của một dự án căn hộ là thấy ngay mức giá phải trả để mua.

Đó là hàng loạt các chi phí từ giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, chi phí makerting, thủ tục hành chính, giá nhân công, vật liệu xây dựng, chi phí lãi vay tín dụng… Các chi phí này cấu thành giá bán căn hộ. Hiện tại căn hộ giá trung bình không thể dưới 10 triệu đồng/m2.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Mua nhà trong tầm tay

Dự án An Tiến (Nhà Bè) nếu bán giá 14,5 triệu đồng/m2 mà đóng 30% là khoảng hơn 300 triệu đồng. Trong khi ngân hàng cho vay 15 năm như công bố thì người có nhu cầu nhà ở sẽ mua được trong tầm tay. Đó là chưa kể sang năm lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt còn 12%-14%/năm chứ không còn cao như bây giờ thì tính ra mỗi tháng người mua trả góp trên 10 triệu đồng, khá hấp dẫn.

Ông NGUYỄN XUÂN CHÂU, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Mega

DN khát vốn

Trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết cần có cái nhìn tổng thể về việc DN BĐS đại hạ giá căn hộ. Đây chỉ là điểm khởi đầu vì có DN không cầm cự được bán giảm giá thì nhiều DN khác cũng bán tháo hàng ra. Mà nguồn cơn của hiện tượng này là DN khát vốn, ngân hàng ráo riết thu hồi nợ mà nguồn tiền vay mới thì lãi suất quá cao không kham được.

“Giảm giá bán căn hộ thì có lợi cho người tiêu dùng nhưng sợ nhất lúc này là khủng hoảng niềm tin dẫn đến những xáo trộn không đáng có cho thị trường tài chính” - vị tổng giám đốc trên cảnh báo.

Việc nhiều DN BĐS bán giảm giá căn hộ, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ người mua nhà, theo các chuyên gia điều này dự báo sắp tới thị trường căn hộ sẽ có một mặt bằng giá mới hợp lý hơn.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm