Theo BS CKI Hoàng Văn Minh - phụ trách phòng khám da liễu BV ĐH Y Dược TP.HCM, vào mùa mưa, bệnh về da thường xuất hiện do việc tiếp xúc nước mưa và những vật dụng để tránh mưa.
Tùy theo tình trạng mưa nhiều hay ít và thói quen sử dụng vật dụng tránh mưa như ô dù hoặc áo mưa, người bệnh sẽ có những biểu hiện bệnh lý về da khác nhau.
Những ngày gần đây tại phòng khám tiếp nhận nhiều ca bệnh bị mề đay do nước mưa. Hiện tượng đỏ và ngứa da kéo dài khi tiếp xúc trực tiếp với nước mưa hoặc sau đó 1-2 tiếng. Bệnh có thể tự hết nhưng sẽ tái phát khi gặp nước mưa.
Người dân lội mưa trên đường Lương Định Của quận 2. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Ngoài ra, do ô nhiễm môi trường, ngoài khí CO2 tăng lên, trong không khí còn có bụi bặm, khí độc, vi sinh… Khi mưa phùn, mưa ít, nước mưa không kịp tan biến những chất này thì nó sẽ tồn tại trong không khí với nồng độ cao, bám trên da làm kích ứng ngoài da gây ra tình trạng chàm tiếp xúc. Biểu hiện bệnh làm da đỏ lên và ngứa, nếu nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước.
Bác sĩ Minh phân tích thói quen sử dụng quần áo mưa sẽ gây ra các bệnh về da nhiều hơn khi sử dụng ô dù để tránh mưa. Lý do là da bị lớp áo mưa che phủ, gây nóng nực và ẩm ướt. Những người có sẵn bệnh lý nấm, ghẻ,… sẽ làm bệnh nặng hơn.
Đối với người béo phì thì sẽ dễ bị viêm kẽ hoặc hăm kẽ, nếp dưới ngực, nách, bẹn... trong đó nếu dầm mưa thì da bàn chân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt trong trường hợp người bệnh mang giày bít, vớ bằng len ướt... sẽ dễ bị nhiễm trùng bội nhiễm nếu có sẵn bệnh, người bị đái tháo đường, viêm mạch hoại tử...
Nguyên nhân là do nước ngập ô nhiễm từ nhiều nguồn, cộng thêm da ngâm nước lâu lớp sừng bảo vệ giãn nở, tạo điều kiện cho các tác nhân này thâm nhập gây nhiễm trùng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên rửa chân nhanh bằng nước ấm, lau thật khô, sử dụng thuốc sát trùng ở ngoài da I-ốt, dung dịch màu... 10 phút sau khi rửa chân.
Nên sử dụng áo mưa làm bằng các loại vải mát, thông thoáng, cản nước tốt, khi đã hết mưa nên cởi áo, không mặc trong thời gian dài. Sau khi đi mưa nên gội đầu sạch sẽ, phơi khô nón, quần áo để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây nấm da.
Ở góc độ dinh dưỡng, TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết điều quan trọng nhất khi bị ướt, dính, ngấm nước mưa là giữ nhiệt cho cơ thể. Không nên tắm ngay vì sự thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột sẽ làm cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Nên nghỉ ngơi, lau khô người, khi thấy không còn lạnh mới đi tắm.
Để hỗ trợ thân nhiệt, mọi người có thể sử dụng thực phẩm làm ấm như trà gừng, thức ăn giàu vitamin C như cam, nước chanh,… giúp tăng sức đề kháng.