Mới đây, trên mạng xã hội có phản ánh rằng một người dùng sử dụng thẻ Epass nhận thông báo trừ tiền khi đi qua trạm Bạch Đằng trong khi ô tô vẫn ở dưới hầm xe.
Người này có liên lạc nhiều lần với phía chủ đầu tư thì sau đó nhận lại được 68.000 đồng.
|
Khách hàng phản ánh trên một hội nhóm ở Facebook. Ảnh chụp màn hình: CTV. |
Về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện nay trên cả nước có hai hệ thống thu phí không dừng là Etag và Epass.
Hiện hệ thống thu phí không dừng đã tốt và đang dần hoàn thiện hơn. Tất cả đều phải vì mục tiêu, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Hiện nay, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi, phản ánh của người dân để có sự hoàn thiện, chuyển đổi đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thậm chỉ cả các phản ánh ở trên mạng xã hội để hoàn thiện hơn các dịch vụ.
Bộ GTVT cũng nhận định rằng thời gian đầu có thể xử lý các phát sinh chưa được thấu đáo. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị phải mở ra nhiều dịch vụ, có điểm chăm sóc khách hàng để người dân tiện liên hệ, trao đổi.
Bộ GTVT cũng cho biết hiện tại tất cả các trạm BOT do Bộ GTVT đang quản lý đã triển khai thu phí không dừng, chỉ có địa phương đang dần hoàn thiện. Bộ cũng đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời gian tới.
Người dân có thể dán 2 loại thẻ
Theo Bộ GTVT, hiện nay trên cả nước có 2 loại thẻ thu phí không dừng là Etag của VETC và Epass của VDTC.
Theo tìm hiểu của PV, ETC là thương hiệu thu phí không dừng của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Công ty bắt đầu triển khai và cung cấp dịch vụ thu phí không dừng từ năm 2015.
|
Người dân dán thẻ thu phí không dừng của VETC. Ảnh: ĐÀO TRANG. |
Tương tự như ePass, thẻ Etag là thẻ định danh được dán trên kính, đèn xe giúp chủ phương tiện đi qua trạm thu phí không dừng dễ dàng.
Hiện nay, VETC đang vận hành 79 trạm thu phí. Dịch vụ thu phí tự động của VETC cũng áp dụng công nghệ RFID.
Để đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí không dừng của VETC và dán thẻ Etag, khách hàng có thể đến các địa điểm như: Trung tâm đăng kiểm; Trạm thu phí của VETC; Đại lý của VETC.
Đối với thẻ định danh Epass của VDTC do Công ty CP giao thông số Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là công ty thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Nhằm mục đích cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho khách hàng trên khắp cả nước, VDTC đã cho ra đời thẻ định danh Epass. Đây là loại thẻ được dán trên kính hoặc đèn xe, nhằm mục đích nhận diện phương tiện giao thông tự động và trừ tiền vé vào tài khoản đã đăng ký khi qua trạm ETC.
Khi sử dụng dịch vụ của VDTC, khách hàng được dán thẻ ePass miễn phí lần đầu. Từ lần thứ hai trở đi, phí dán là 120.000 đồng/thẻ. Trường hợp lỗi dán thẻ do nhân viên VDTC, khách hàng được miễn phí dán lại.
Hiện nay, VDTC đang quản lý 35 trạm thu phí trên toàn quốc. Các trạm thu phí không dừng của VDTC đều áp dụng công nghệ RFID hiện đại. Ngoài ra, hệ thống thu phí không dừng của VDTC còn ứng dụng hai công nghệ nữa là công nghệ OCR và công nghệ OCS.
Công nghệ OCR là công nghệ nhận diện ảnh, biến đổi thông tin trong ảnh thành chữ viết tự động điền vào phiếu đăng ký. Công nghệ này có thể xử lý ảnh với độ chính xác cao. Nhờ đó, thời gian đăng ký dịch vụ cho khách hàng và chi phí cho công tác nghiệp vụ hậu kiểm, đối soát được giảm xuống.
Công nghệ OCS là công nghệ tính cước thời gian thực do VDTC tự nghiên cứu, phát triển. Nhờ công nghệ này, việc thanh toán tiền được thực hiện ngay lập tức.