Nhiều tháng nay, bức xúc trước tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cổ Chiên, nhiều người dân ở hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận đã nhiều đêm thức trắng canh giữ khúc sông, xua đuổi "cát tặc".
Do lợi nhuận cao, "cát tặc" rất hung hãn, lì lợm. Thậm chí chúng còn liều lĩnh dùng ná thun bắn đá và giơ mã tấu dọa chém dân vì đã xua đuổi chúng.
Anh Trần Công Định, ngụ ấp Hòa Thuận, có nhà sát mép sông Cổ Chiên lo lắng: "Từ nhiều tháng nay có nhiều tàu cát xuất hiện tại khúc sông này, nhưng chính quyền địa phương không can thiệp. Người dân phải tự ra sông xua đuổi "cát tặc". Đêm nào tầm khoảng 12 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau, tàu cát rầm rầm kéo đến trộm cát. Ngoài ra còn có nhiều sà lan tải trọng hàng trăm khối cát cũng thường xuyên đến khu vực này trộm cát giữa đêm khuya. Chiếc này hút đầy, chiếc khác lại vào tiếng máy nổ “phình phịch” từ giữa đêm đến sáng”.
"Cát tặc" ngang nhiên trộm cát giữa ban ngày mặc cho dân xua đuổi.
Còn anh Lê Nhật Trường, ngụ ấp Phú Hòa, bày tỏ: “Ban ngày tôi phải đi làm thuê làm mướn lo cho cuộc sống đã thấm mệt, đêm lại phải thức trắng đêm canh giữ "cát tặc", nếu không canh giữ thì chúng càng lộng hành hơn”.
Nhiều người dân cho biết họ rất bức xúc trước nạn "cát tặc" đã gây sạt lở nghiêm trọng đê bao. Trước đó địa phương đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây để bao có chiều dài trên 3km dọc sông Cổ Chiên đoạn thuộc hai ấp Phú Hòa và Hòa Thuận. Tuy nhiên đê bao tiền tỉ vừa đắp chưa đầy một năm đã bị sạt lở trôi xuống sông.
Người dân lo lắng đê bao bị sạt lở do '"cát tặc" tung hoành.
Năm 2016, địa phương tiếp tục đầu tư trên 8 tỉ đồng để làm mới con đê trên và có kè rọ đá (1,2km), đồng thời đóng hàng cừ gỗ dọc theo con đê để chống sạt lở. Nhưng do "cát tặc" hoạt động rầm rộ trên khúc sông này nhiều năm nay khiến hàng cừ gỗ hiện nay cũng bị sạt ra mé sông, chân đê cũng bị bào lở, xoáy sâu hàm ếch. Nhiều người dân lo lắng nếu tình trạng khai thác cát này còn kéo dài không bao lâu nữa con đê này sẽ bị sụp trôi xuống sông Cổ Chiên hoàn toàn.
Nhiều lần xua đuổi, dân còn bị "cát tặc" giơ mã tấu dọa chém.
Với thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh chủ trì phối hợp với Công an tỉnh và UBND huyện Chợ Lách tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép tại khúc sông trên. Trường hợp phát hiện, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, song "cát tặc" vẫn ngang nhiên hoành hành. Ngày 4-4, PV đã có mặt tại đoạn sông Cổ Chiên trên để tìm hiểu thông tin thì được biết tại đây ban ngày lượng tàu ghe vào trộm cát có giảm, tuy nhiên ban đêm "cát tặc" bất chấp lệnh cấm, ngang nhiên trộm cát rầm rộ khiến người dân vô cùng bức xúc.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện Chợ Lách cho biết, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bến Tre cùng Phòng TN&MT huyện đã đến khảo sát và nắm tình hình thực tế về tình trạng khai thác cát tại khu vực trên.
Bờ sông sạt lở cuốn trôi hàng bần xuống sông.
“Trước bức xúc của người dân, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp cùng Cảnh sát môi trường tăng cường tuần tra, kiểm tra, đồng thời gắn kết chặt chẽ với người dân tại địa phương để nắm tình hình và có hướng xử lý chặt chẽ”- Ông Việt nhấn mạnh.
Cũng theo ông Việt, tại khúc sông Cổ Chiên tại khu vực ấp Phú Hòa và Hòa Thuận có trữ lượng cát rất tốt và dồi dào. Tuy nhiên nơi này không có mỏ cát nào được cấp phép.
Thượng tá Lê Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bến Tre cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, lực lượng đã thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, đã phát hiện và xử phạt ba tàu trộm cát trên tuyến sông Cổ Chiên trên.
Theo phản ánh của người dân, ban ngày trung bình có khoảng từ 5-7 chiếc tàu sắt, tàu gỗ lớn nhỏ ngang nhiên hút trộm cát trên khúc sông này. Ban đêm chúng hoạt động rầm rộ hơn, cao điểm có từ 12- 15 chiếc, có cả sà lan tải trọng hàng trăm khối cát.
“Cát tặc” còn tiến vào sát chân đê bung vòi rồng xuống sông hút trộm cát. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn không có sự can thiệp của chính quyền địa phương.