Tại hội nghị, Phó Thủ tướng băn khoăn: “Trong ba năm qua, kinh phí chi cho người học chỉ chiếm 8% tổng kinh phí. Ngược lại, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề chiếm đến 75% (hơn 2.900 tỉ đồng)”. Các địa phương xây dựng dự án đầu tư trung tâm dạy nghề với số vốn đầu tư lớn (40-50 tỉ đồng/trung tâm) nhưng không chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí khác mà chủ yếu sử dụng kinh phí hỗ trợ từ trung ương. Hiện còn 114 trung tâm dạy nghề chưa hoàn thành, 36 trung tâm chưa hoạt động, một số trung tâm đầu tư thiết bị không phù hợp, gây lãng phí...
Theo báo cáo, sau ba năm thực hiện đề án trên đã có hơn 1,1 triệu lao động nông thôn được dạy nghề. Tuy nhiên, việc dạy nghề cho lao động nông thôn một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa phù hợp với nhu cầu người học.
P.ĐIỀN - N.DÂN