Đào tạo, tuyển dụng người giúp việc: Mạnh ai nấy làm

Câu chuyện người giúp việc Võ Thị Thanh Thúy nhiễm HIV bắt cóc con của chủ nhà xảy ra tuần qua khiến nhiều bạn đọc hoang mang. Người giúp việc trên được chủ nhà thuê thông qua một công ty giới thiệu việc làm. Chuyện này đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về quy trình đào tạo và quản lý người giúp việc hiện nay.

Mạnh ai nấy làm

Đơn vị đầu tiên được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp phép hoạt động dịch vụ chăm sóc người bệnh, người già là Công ty TNHH Nhân Ái (quận 8, TP.HCM).

Công ty thường tuyển dụng lao động phổ thông từ các tỉnh với yêu cầu có sức khỏe tốt, lý lịch rõ ràng. Sau đó, giám đốc công ty (tốt nghiệp ngành quản trị bệnh viện) sẽ trực tiếp đào tạo cho những người này trong vòng một tuần về cách chăm sóc người bệnh theo từng lứa tuổi.

Hết khóa học, để được công nhận là nhân viên công ty, học viên phải qua một cuộc thi do công ty tổ chức. Trước khi ký hợp đồng với khách, công ty sẽ trực tiếp đưa nhân viên đến gặp chủ nhà thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ hai bên. Khi một trong hai bên có điều gì không hài lòng về bên kia có thể gọi điện báo cho giám sát viên. Nếu giữa khách hàng và nhân viên nảy sinh mâu thuẫn lần thứ ba, công ty sẽ thay thế nhân viên mới. Nếu khách hàng có thái độ khinh rẻ hoặc chèn ép nhân viên, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng...

Công ty Cổ phần Dịch vụ An Tâm (Chi nhánh quận 8, TP.HCM) chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc nhà cũng tuyển dụng và đào tạo người giúp việc gia đình theo quy trình riêng. Bà Phạm Thị Hiệp, Giám đốc công ty (Chi nhánh quận 8), cho biết nguồn lao động của công ty được lấy chủ yếu từ những mối quen biết hoặc họ hàng ở các tỉnh. Với những người lạ đến xin việc, công ty sẽ trực tiếp xác minh nhân thân của họ tại nơi thường trú sau đó.

Các công ty như Nhân Tín (Huế), Vinalaw (Hà Nội)... cũng có cách làm tương tự. Tuy vậy, số lượng công ty cung cấp người giúp việc tương đối chuyên nghiệp như những công ty trên không nhiều.

Đào tạo, tuyển dụng người giúp việc: Mạnh ai nấy làm ảnh 1

Nhân viên Công ty TNHH Nhân Ái đang chăm sóc một người già tại gia đình. Ảnh: N.HOÀNG

Chủ quan về sức khỏe người giúp việc

“Khi biết tôi có nhu cầu tìm người giúp việc, người quen giới thiệu một cô gái ở quê vào. Sau vài ngày, mọi chuyện vẫn suôn sẻ. Một hôm, thấy cô gái uống thuốc aminazin (một loại thuốc an thần), tôi tìm hiểu mới biết cô bị tâm thần nhẹ. Tôi đành nói chuyện khéo léo để trả cô về lại với gia đình. Chính tôi là bác sĩ từng nhiều năm làm việc với bệnh nhân tâm thần mà còn không phát hiện ra huống chi người khác” - ông Vũ Đình Sơn, bác sĩ chuyên khoa 1, Trưởng phòng Y tế - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, kể lại.

Khi tuyển người giúp việc, hầu hết các đơn vị dịch vụ việc làm đều chỉ đưa ra yêu cầu phải có sức khỏe tốt. Để đáp ứng yêu cầu đó, người xin việc chỉ cần bỏ ra 15.000 đồng đến một trung tâm y tế bất kỳ khám tổng quát… và mang về kết luận “Đủ sức khỏe để làm việc”. Nhiều gia đình chủ quan tin vào tờ giấy khám sức khỏe này, để người giúp việc trực tiếp cho con mình ăn uống hằng ngày.

Cũng về dịch vụ cung cấp người giúp việc nhưng ở các công ty chuyên nghiệp, vấn đề sức khỏe người giúp việc được quan tâm đặc biệt do khách hàng của những công ty này thường là những gia đình có kinh tế khá giả. Ông Huỳnh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Ái, cho rằng dù công ty có đưa nhân viên đi khám sức khỏe chuyên sâu thì khách hàng vẫn muốn trực tiếp đưa người giúp việc đi khám lại cho yên tâm. “Sau khi nhân viên chính thức đi giúp việc tại các gia đình, công ty chúng tôi vẫn còn ràng buộc nhiều trách nhiệm với khách hàng như: nhận lương từ khách để trả cho nhân viên, giải quyết các mâu thuẫn giữa chủ nhà và nhân viên… Do vậy, sức khỏe của nhân viên cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng” - ông Nhân giải thích.

Bà Phạm Thị Hiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ An Tâm (Chi nhánh quận 8), cho hay: “Những trường hợp chăm sóc người già, người bệnh, em bé, khách hàng thường yêu cầu chúng tôi để họ đưa nhân viên đi khám sức khỏe. Chuyện này khá tế nhị nên tôi cũng lựa lời nói với nhân viên rằng đây cũng là dịp tốt để các em kiểm tra lại sức khỏe, biết đâu các em đang mang mầm bệnh trong người mà không biết. Cũng may, khi chọn người giúp việc cho những đối tượng này chúng tôi làm rất kỹ nên mọi việc khá suôn sẻ”.

Yêu cầu người giúp việc xét nghiệm HIV: Khó khả thi

Nếu thuê người giúp việc chăm sóc trẻ em, người bệnh, chủ nhà nên đưa họ đi khám sức khỏe chuyên sâu một số bệnh như lao, viêm gan… Riêng HIV là một loại xét nghiệm tự nguyện, kết quả chỉ có bác sĩ xét nghiệm và người đi xét nghiệm được biết. Do vậy, nếu không có sự chủ động, tự nguyện của người giúp việc, chủ nhà không thể buộc họ đi làm xét nghiệm này được. Chúng ta không kỳ thị người có HIV nhưng riêng trong việc chăm sóc trẻ em, người bệnh, không nên để người có HIV chăm sóc bởi người nhiễm HIV thường mắc các bệnh cơ hội kèm theo như lao, viêm gan, nấm… do bị suy giảm miễn dịch… Khi họ ho hoặc hắt xì thì trẻ em, người bệnh, người già dễ bị lây nhiễm. Tốt nhất các gia đình nên chọn người giúp việc khỏe mạnh, được khám sức khỏe, xét nghiệm đàm, chụp X-quang để loại trừ lao (vì đa số lây qua đường hô hấp), những bệnh viêm nhiễm ở chân tay, nấm móng…

Ông VŨ ĐÌNH SƠN, bác sĩ chuyên khoa 1, Trưởng phòng Y tế - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Cần có nghiên cứu khoa học về nghề giúp việc

Giúp việc gia đình là một trong những nghề “nóng” nhất hiện nay, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động đang tranh luận có nên đưa nghề này vào luật để quản lý và quản lý như thế nào.

Theo tôi, do đây không phải là lao động tập trung trong doanh nghiệp mà là lực lượng lao động tự do, lưu động nên khi đưa vào luật, cần cân nhắc nhiều yếu tố. Trước tiên, cần một nghiên cứu khoa học về số lượng, tình trạng người giúp việc hiện nay. Tiếp đó, phải có chương trình đào tạo nghề, đào tạo văn hóa cho người giúp việc. Ai muốn hành nghề này phải qua chương trình đào tạo, thi cử rõ ràng và có chứng chỉ hành nghề... Có vậy mới mong chuyên nghiệp hóa được nghề giúp việc.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.