Đất chưa có giấy đỏ, tòa và viện tranh cãi

VKSND tỉnh Bình Phước vừa đề nghị lãnh đạo VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm một bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh này vì cho rằng tòa xử không khách quan và chưa đúng thẩm quyền.

Tòa bảo mình giải quyết là đúng

Theo hồ sơ, trước đây ông ĐTA, ngụ thị xã Đồng Xoài đã khởi kiện bà PTN ra TAND thị xã này để đòi lại hai phần đất có diện tích tổng cộng là 108 m2 mà ông cho rằng bị bà N. lấn chiếm. Tháng 2-2010, TAND thị xã Đồng Xoài xử sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông A., buộc bà N. phải trả cho ông A. hơn 70 m2 đất và gần 400 triệu đồng.

Ông A. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước hồi tháng 8-2011, đại diện VKS tỉnh cho rằng toàn bộ diện tích đất mà hai bên đương sự tranh chấp đều chưa được đăng ký để xin cấp giấy đỏ. Mặt khác, các đương sự cũng không tranh chấp tài sản trên đất nên vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa mà thuộc thẩm quyền của UBND thị xã Đồng Xoài. Từ đó, đại diện VKS đã đề nghị tòa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Sau khi nghị án một tuần để xem xét, TAND tỉnh Bình Phước nhận định phần đất tranh chấp tuy chưa có giấy đỏ nhưng đã có tên người sử dụng trong sổ địa chính. Vì vậy, vụ án vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Về mặt nội dung, tòa tuyên sửa bản án sơ thẩm, chỉ buộc bà N. phải trả lại cho ông A. hơn 70 m2 đất lấn chiếm.

Đất chưa có giấy đỏ, tòa và viện tranh cãi ảnh 1

VKS nói thẩm quyền của UBND

Sau đó, VKSND tỉnh Bình Phước đã có văn bản đề nghị lãnh đạo VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Theo VKS, khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy đỏ nhưng có các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 Điều 50 luật này (có tên trong sổ địa chính) và phải có tranh chấp về tài sản gắn liền trên đất thì vụ việc mới thuộc thẩm quyền của tòa. Trong khi đó hai bên đương sự không hề có tranh chấp về tài sản trên đất nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp này thuộc về UBND.

Ngoài ra, VKS tỉnh còn dẫn chứng Thông tư liên tịch số 01 ngày 3-1-2002 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Tổng cục Địa chính hướng dẫn là trong trường hợp này, nếu có tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì do UBND có thẩm quyền giải quyết... Dù Thông tư 01 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1993 nhưng hiện tại chưa có thông tư mới nào hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất thay thế hay bãi bỏ nên nó vẫn có hiệu lực áp dụng.

Mặt khác, VKS cũng cho rằng việc tòa tuyên án như trên là chưa khách quan bởi với những chứng cứ tòa thu thập được thì không đủ căn cứ xác định diện tích đất tranh chấp liệu đã có tên trong sổ địa chính hay chưa. Cấp phúc thẩm thay vì tiếp tục xác minh thì lại đi tuyên án là không đúng…

Như vậy, trong vụ án trên, giữa tòa và VKS đã có hai cách hiểu: Theo tòa thì chỉ cần người sử dụng đất có tên trong sổ địa chính là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Còn theo VKS, không những người sử dụng đất phải có tên trong sổ địa chính mà còn phải có tranh chấp về tài sản gắn liền trên đất thì tòa mới được thụ lý. Cách hiểu nào mới đúng? Xin mời bạn đọc lên tiếng luận bàn.

Luật mới mở rộng hơn luật cũ

Theo nhiều chuyên gia, đúng là theo Thông tư 01 ngày 3-1-2002 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Tổng cục Địa chính (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1993) thì tranh chấp đất trong trường hợp trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Thông tư 01 phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 1993 là các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đó thì do tòa án giải quyết.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2003 đã mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của tòa hơn rất nhiều so với Luật Đất đai năm 1993. Ngoài thẩm quyền giải quyết như luật cũ, tòa còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp mà người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo khoản 1, 2 Điều 50 Luật Đất đai. Việc luật mới mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta.

Do đó, nếu áp dụng Thông tư 01 khi luật cũ đã được thay thế bằng luật mới là không phù hợp. Chưa kể, hiểu theo tinh thần của khoản 1 Điều 136 luật mới thì không bắt buộc phải có đủ hai điều kiện thì tòa mới thụ lý là vừa phải có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo khoản 1, 2 Điều 50 Luật Đất đai vừa phải có tranh chấp về tài sản gắn liền trên đất. Chỉ cần có một trong hai điều kiện này là đủ.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm