Đau đầu nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng

Nhiều năm qua, ngành chiếu sáng công cộng TP.HCM liên tục phải đối mặt với nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng. Dù một vụ trộm thường chỉ mất từ vài mét đến vài chục mét dây nhưng do mỗi năm xảy ra hàng ngàn vụ nên thiệt hại về kinh tế khá lớn, trung bình hơn 30 tỉ đồng/năm.

Trộm vặt gây thiệt hại lớn

Cuối năm 2011, một nhóm “thợ điện” kéo đến đường Ụ Ghe, phường Tam Phú, quận Thủ Đức rồi leo lên cột điện cắt dây điện chiếu sáng. Một số người dân thấy nhóm thợ có biểu hiện đáng ngờ nên báo cho cảnh sát khu vực. Đến lúc đó, nhóm người này lộ nguyên hình là đạo chích.

Đáng tiếc là số vụ bắt được quả tang như ở quận Thủ Đức nêu trên là không đáng kể. Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, mỗi năm TP xảy ra hàng ngàn vụ cắt trộm dây điện chiếu sáng công cộng, mất hàng trăm km dây, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Riêng trong năm 2011 có trên 192 km dây chiếu sáng bị cắt trộm, thiệt hại hơn 36 tỉ đồng. Năm 2010, bọn trộm cũng cắt gần 184 km dây chiếu sáng, thiệt hại hơn 34 tỉ đồng…

Địa bàn xảy ra các vụ trộm dây điện chiếu sáng hầu hết tập trung ở khu vực ngoại thành, thuộc các quận, huyện 2, 9, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn… Phụ trách một địa bàn “nóng” gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức, ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, cho biết tình trạng mất cắp dây điện chiếu sáng đang ngày càng gia tăng. “Năm 2009 chúng tôi mất gần 17 km dây, năm 2010 mất 39 km và đến năm 2011 thì mất đến 51 km” - ông Thiết thống kê.

Đau đầu nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng ảnh 1

Chưa có giải pháp tích cực

Thông thường sau mỗi lần xảy ra trộm cắp dây điện, phải khá lâu sau hệ thống chiếu sáng trong khu vực mới được khôi phục. Người dân khu dân cư Bình Trị Đông B, quận Bình Tân cho hay phải mất gần một tháng đèn đường ở đây mới được khôi phục. Người dân khu vực đường Ụ Ghe kể trên cũng phải chờ đợi nhiều tuần lễ. Trong thời gian đó, họ luôn cảm thấy bất an khi phải đi qua những con đường tối om (sợ cướp, sợ TNGT).

Ông Vũ Kiến Thiết nhìn nhận việc chậm lắp đặt lại dây điện chiếu sáng có nguy cơ làm gia tăng TNGT, đồng thời khiến tình hình an ninh ở khu vực đó thêm phức tạp. Thế nhưng vì “khan” vốn nên đơn vị phải cân đối kỹ, do đó không thể rút ngắn thời gian phục hồi.

Theo ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, nạn trộm cắp dây điện chiếu sáng rất khó ngăn chặn bởi kẻ trộm lợi dụng đêm khuya, hành động tại những nơi vắng vẻ. “Những năm gần đây, chúng tôi liên tục đưa ra nhiều giải pháp (neo dây, tăng cường tuần tra…) để hạn chế tình trạng này nhưng không ăn thua. Nhiều nơi chúng tôi còn gắn chip báo động để khi dây bị cắt thì chuông điện thoại của công an địa phương và cán bộ tuần tra giám sát sẽ reo lên, giúp nhận biết ngay vị trí đang xảy ra trộm. Nhưng khi họ có mặt thì kẻ trộm đã cao chạy xa bay” - ông Toàn nói.

Ông Toàn cho biết thêm Sở GTVT sẽ tiếp tục đề nghị các địa phương hỗ trợ tích cực hơn để ngăn chặn nạn mất cắp dây chiếu sáng. Biện pháp cụ thể nhất là cần xử lý nghiêm những người thu mua phế liệu nhận thu mua dây điện không rõ nguồn gốc. “Chúng tôi cũng đang thí điểm gắn dây nhôm ở những nơi bị mất trộm nhiều lần. Thực tế có tình trạng kẻ trộm cắt đứt dây nhưng thấy ruột bằng nhôm nên bỏ lại. Loại dây này có giá thành rẻ nhưng lại giòn, dễ gãy và có độ tiêu hao năng lượng lớn. Vì vậy đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời” - ông Toàn nói.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm