XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG – NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Đẩy mạnh tuyên truyền để lao động Việt Nam về nước đúng hạn

Bản ghi nhớ (MOU) này chính thức nối lại việc đưa lao động VN sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS).

Trước đó, EPS đã bị tạm dừng từ tháng 8-2012 do tình trạng lao động VN làm việc tại Hàn Quốc vi phạm hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp tăng cao. Bản ghi nhớ đặc biệt này có thời hạn một năm kể từ tháng 12-2013, dành cho những lao động đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn hoặc đã được kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2011 và 2012, với khoảng 14.000 người.

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), chín tháng đầu năm 2014 đã có hơn 5.300 lao động được chọn, trong đó gần 5.200 lao động đã sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Chín tháng qua, các cơ quan chức năng của VN đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động cả trong nước và tại Hàn Quốc, nhằm giảm tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy vậy, tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của lao động VN tại Hàn Quốc vẫn cao gấp hơn hai lần con số trung bình của 15 nước đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: HV

Theo lộ trình cuối tháng 11-2014, bản ghi nhớ đặc biệt hết hiệu lực. Theo đó, căn cứ tỉ lệ lao động không về nước khi hết hạn hợp đồng lao động, hai bên sẽ đánh giá kết quả thực hiện để xem xét có tái ký bản ghi nhớ theo chương trình EPS hay không.

TP.HCM tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý người lao động VN tại Hàn Quốc, cụ thể:

- Thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về chính sách, pháp luật xuất khẩu lao động và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động VN đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó tập trung thông tin, tuyên truyền về các chính sách đối với người lao động VN đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn; thông tin những biện pháp chế tài đối với người lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

- Trên cơ sở danh sách người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng gia đình người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cam kết việc vận động thân nhân về nước đúng hạn. Đối với những trường hợp người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước đúng hạn, hiện đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chính quyền địa phương yêu cầu từng gia đình người lao động vận động, kêu gọi thân nhân trở về nước, trình báo ngay với cơ quan chức năng để làm thủ tục về nước theo quy định.

Người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sau khi hết hạn hợp đồng lao động, về nước đúng hạn sẽ có các quyền lợi sau:

- Được nhận tiền bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh với mức một tháng lương cho mỗi năm làm việc liên tục sau khi về nước.

- Được tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS nếu có nguyện vọng, sau khi vượt qua kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính được tổ chức ba tháng một lần.

- Được tham dự khóa học một tháng về tin học văn phòng, quản lý sản xuất, đào tạo bổ túc tiếng Hàn mà không phải chi trả tiền học phí, tiền ăn, ở trong thời gian đào tạo.

- Được tư vấn và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại VN sau khi kết thúc khóa học.

Đối với những người lao động trong suốt thời gian làm việc tại Hàn Quốc (bốn năm 10 tháng hoặc sáu năm) không chuyển nơi làm việc, chỉ làm việc cho một chủ sử dụng lao động, nếu chủ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng, sau khi về nước sẽ được Trung tâm Lao động ngoài nước hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiếp tục quay trở lại Hàn Quốc làm việc cho chủ sử dụng lao động cũ sau thời gian ba tháng kể từ ngày về nước và không phải tham dự kỳ thi tiếng Hàn.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người lao động giới thiệu việc làm trong nước hoặc tham gia các thị trường lao động ngoài nước khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới