ĐBQH không đồng ý để Bộ Công an cấp giấy phép lái xe

Việc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ chính kiến và khá thống nhất với nhau không phải là điều còn hiếm thấy. Đối với Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thảo luận tại hội trường sáng 16-11, tất cả các ý kiến các ĐBQH đều đồng tình cho rằng: không nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật là Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) dẫn kinh nghiệm quốc tế cho hay, phần lớn các quốc gia trên thế giới họ làm luật về giao thông với các tên gọi khác nhau như luật an toàn giao thông hay luật giao thông đường bộ, nhưng đều điều chỉnh các thành tố tương tự như luật giao thông đường bộ của Việt Nam. 

ĐB Thắng nói bảo đảm an toàn giao thông là mục tiêu quan trọng và các yếu tố để bảo đảm cho an toàn giao thông đường bộ bao gồm: hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông, không phụ thuộc vào một thành tố nào là chủ yếu. 

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

“Nếu tách luật ra để hai bộ quản lý nhà nước thì sẽ chồng chéo, bất cập. Các luật khác về đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cũng đang có kết cấu điều chỉnh bốn thành tố như luật giao thông đường bộ, mang tính quy chuẩn. Tách luật giao thông đường bộ sẽ phá vỡ tính logic, đồng bộ trong hệ thống pháp luật" - ĐB Thắng nêu.

Thậm chí, ĐB Thắng nói trong trường hợp tách tách Luật giao thông đường bộ thành 2 luật, thì phải đổi tên Luật giao thông đường bộ thì mới đúng nội hàm vì khi đó chỉ còn hai thành tố là kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông. Như vậy, Luật mới phải là “Luật kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông”.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nói trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội không có Luật bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Luật cũng không được báo cáo rõ ràng với Quốc hội, việc đánh giá tác động của luật cũng chưa đầy đủ. 

"Tôi đồng ý với phân tích của đại biểu Hoàng Đức Thắng và đề nghị để lại, đánh giá kỹ lưỡng, để Quốc hội khóa XV xem xét dự án luật này" - ĐB Dung nói.

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng đồng tình và đề nghị các cơ quan có liên quan phải báo cáo rõ việc này. 

“Chủ tọa kỳ họp phải xin ý kiến ĐBQH xem có tách hai luật không. Nếu đồng ý tách thì chiều nay (16-11) Quốc hội mới thảo luận về dự thảo Luật bảo đảm an toàn, trật tự giao thông” - ĐB Thái Trường Giang nói.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng Chính phủ trình dự án luật này “hơi gấp rút” và bản thân Chính phủ cũng băn khoăn về việc tách luật, do đó mới ghi vào biên bản trình hai phương án tách hoặc không tách. 

“Như vậy phải chăng là quá trình làm luật cũng nửa vời?, ĐB Xuyền bày tỏ và đề nghị chuyển luật này sang Quốc hội khóa XV để làm cho bài bản vì từ giờ tới lúc đó rất nhiều việc. ĐB Xuyền cũng không đồng ý chuyển quản lý, sát hạch cấp phép giấy phép lái xe sang cho Bộ Công an.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng quan điểm với các ĐB khác. Thậm chí ông còn đặt câu hỏi khi đề cập đến việc giao quản lý, sát hạch giấy phép lái xe cho Bộ Công an rằng: “Sao phải hành dân như vậy? Cấp giấy phép lái xe thì Bộ Công an còn cấp chứng chỉ hành nghề vận tải lại giao cho Bộ GTVT?”.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị)

Cùng nội dung, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho hay từ năm 1995, bộ GTVT nhận nhiệm quản lý cấp giấy phép lái xe, ô tô từ Bộ công an. Khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe. Từ chỗ còn thiếu thốn, tới nay, đã có hơn 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái ô tô - đã được xã hội hóa 100%.

Với hệ thống vật chất trang thiết bị vật chất tương đối đồng bộ, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn. Ngành GTVT cũng đã và đang đầu tư trang thiết bị hiện đại để cấp, đổi, quản lý giấy phép lái xe. Theo ĐB, ngành GTVT cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trước ý kiến cho rằng, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang Bộ công an, ĐB Đỗ Văn Sinh bày tỏ quan điểm không ủng hộ. ĐB dẫn chứng, thống kê cho thấy số người chết do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp đang giảm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông và điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Có tới 90% các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thâm niên lái xe từ 7 – 10 năm. “Như vậy ý kiến trên là chưa có cơ sở” - ĐB khẳng định.

Theo ông Sinh, hiện ngành GTVT đang có khoảng 2.200 cán bộ công chức viên chức đang đảm nhận công việc này. Trong trường hợp chuyển sang Bộ công an thì việc sắp xếp lực lượng lao động này sẽ như thế nào? “Toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỉ đồng của ngành GTVT có nguy cơ bị lãng phí. Trong khi đó, ngành công an tiếp tục đầu tư trang thiết bị bổ sung, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước ” - ĐB nói thêm.

ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh: “Trong thực tế, hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có giả, thậm chí có cả tiền giả. Vậy thì giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, sổ hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân không phải nhiệm vụ ngoại lệ. Do đó, nếu như cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang được quản lý bởi cơ quan này thì lại chuyển sang cơ quan quản lý khác rất không hợp lý, gây rối xã hội. Từ tình hình thực tế và căn cứ nêu trên, tôi đề nghị không chuyển thẩm quyền quản lý giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. 

Theo đó, ông bày tỏ không ủng hộ tách Luật giao thông đường bộ.

Có cần thiết tách luật giao thông đường bộ?
(PL)- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi: Bộ Công an có dám cam đoan trước Chính phủ, người dân rằng khi đảm nhận việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sẽ hết nạn bằng giả không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới