Đề xuất CSGT không cảm ơn sau khi kiểm soát phương tiện là hợp lý!

(PLO)-  Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an đề xuất sau khi kiểm soát phương tiện, CSGT không cần nói cảm ơn như quy định hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo lần 2 Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

Bỏ nội dung cảm ơn sau khi kiểm soát phương tiện

Dự thảo Thông tư này có nhiều đề xuất mới, trong đó đề xuất CSGT không bắt buộc phải cảm ơn sau khi kiểm soát giao thông nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, tại Điều 17 dự thảo Thông tư quy định sau khi kiểm soát xong phương tiện, cán bộ CSGT chỉ cần báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý.

CSGT không cần phải nói lời: “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” như quy định hiện nay tại khoản 4 Điều 18 Thông tư 65/2020 của Bộ Công an.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định khi dừng phương tiện, CSGT sẽ chào theo Điều lệnh Công an; thay vì được lựa chọn chào theo Điều lệnh hoặc chào bằng lời nói “Chào ông, bà, anh, chị...” như hiện nay.

Bộ Công an đề xuất CSGT không phải nói cảm ơn sau khi kiểm soát phương tiện. Ảnh minh họa: LÊ THOA

Bộ Công an đề xuất CSGT không phải nói cảm ơn sau khi kiểm soát phương tiện. Ảnh minh họa: LÊ THOA

Bỏ là hợp lý

Nói về đề xuất trên của Bộ Công an, ThS Nguyễn Nhật Khanh (Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng việc bỏ nội dung chào bằng lời nói là hợp lý và không làm ảnh hưởng đến hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT. Khi CSGT thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân đã đủ thể hiện được sự tôn trọng đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo ThS Khanh, Điều 3 Thông tư số 65 và Điều 3 dự thảo Thông tư đều quy định khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ yêu cầu CSGT khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp. Chính quy định này đã buộc CSGT phải có ứng xử văn minh khi thực hiện nhiệm vụ chứ không nhất thiết phải bó buộc họ vào các câu chào hỏi mang tính “cố định”.

Đồng tình, LS Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng chào bằng lời nói và cảm ơn mang ý nghĩa về mặt lý thuyết và trên thực tế không cần thiết. Bản chất của quy định này là thể hiện sự tôn trọng của CSGT dành cho người dân. Tuy nhiên, theo LS Cường, sự tôn trọng có thể thể hiện qua những hành vi khác như động tác chào và cách thức giải quyết công việc với người dân. Ngược lại, đôi khi chính quy định phải nói lời chào và cảm ơn làm mất thời gian của cả CSGT và người dân.

Theo LS Cường, do tính chất công việc nên nhiều trường hợp CSGT phải tiếp rất nhiều người dân mà CSGT quên nói lời chào đối với người dân hoặc cảm ơn sau khi đã kiểm tra xong giấy tờ thì về mặt quy định của pháp luật, họ đã không hoàn thành nghĩa vụ và sâu xa hơn là vi phạm pháp luật. “Thực tế, một số người dân lấy chính những thiếu sót không đáng có này của CSGT để gây cản trở trong quá trình làm việc và có những hành vi không đúng với quy định pháp luật như quay phim, chụp hình vì một mục đích nào đó. Do đó, theo tôi việc bỏ quy định chào bằng lời nói và cảm ơn là cần thiết với thực tiễn hiện nay”, LS Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm