Đề xuất gói 410.000 tỉ từ nguồn nợ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 2-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại điểm cầu Hà Nội.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính như người bệnh cần oxy

Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty VIETRAVEL đề nghị cần phải chuyển từ nhận thức (Zero COVID sang with COVID) thành hành động nhanh và dứt khoát. 

“Nếu cứ nửa vời và vấn vương với tư tưởng Zero COVID sẽ làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế - xã hội khi tái mở cửa lại và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến đi sống và chế độ phúc lợi của người dân” - ông Kỳ nói.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc tại điểm cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Kỳ, doanh nghiệp đang cần hỗ trợ tài chính như người bệnh COVID-19 cần oxy. “Nếu chậm trễ thì e rằng rất nhiều doanh nghiệp tốt sẽ bị chết, làm suy yếu nội lực của doanh nghiệp và Nhà nước sẽ mất nguồn thu sau này” - ông Kỳ nói và cho rằng trong chống dịch và phục hồi kinh tế, doanh nghiệp và doanh nhân cần được coi là đối tác chứ không phải đối tượng. Bởi theo ông, nếu được đặt đúng vị trí và được tin cậy, doanh nhân sẽ phấn khởi đồng hành, đóng góp hiệu quả hơn.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cũng đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp.

Mặc dù dòng tiền quan trọng như vậy, nhưng ông Việt nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất, bởi quy định ngặt nghèo tại Luật Tổ chức tín dụng.

Nếu muốn được giải ngân doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện như không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng đại dịch đã khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm, trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại không đổi. Do vậy, ông đề nghị cần có quy chế đặc biệt để tất cả các doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ ưu đãi lãi suất, không phân biệt ngành nghề.

Những tình huống đặc biệt, cần giải pháp “chưa từng có”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân cho rằng về mặt kinh tế - xã hội, chúng ta đang đứng trước tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử 30 năm phát triển TP.HCM, cho nên giải pháp cũng phải “chưa từng có”.

“Nếu giải pháp mà vẫn vận dụng những cái đang làm thì không tương thích với tình hình khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp” - ông Nhân nói và đưa ra dẫn chứng là tăng trưởng âm cả năm của TP.HCM là chưa bao giờ xảy ra; doanh nghiệp hoạt động chỉ hoạt động 20%, còn 80% ngưng hoạt động cũng là tình huống chưa từng có.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Ảnh: TÁ LÂM

Một tình thế đặc biệt khác mà ông Nhân chỉ ra là qua khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho thấy doanh nghiệp có thể duy trì dòng tiền chịu đựng được ít hơn 1 tháng chiếm 40%; doanh nghiệp có dòng tiền còn khả năng duy trì hoạt động 1 đến 3 tháng chiếm 45%. “Như vậy còn khoảng 15% doanh nghiệp còn nguồn tài chính có thể hoạt động được trên ba tháng, đó là một tình thế hết sức đặc biệt” - ông Nhân nói.

Ngoài ra, còn một tình huống đặc biệt khác, theo ông Nhân đó là do mất việc nên người lao động không có thu nhập, người thân cũng mất thu nhập đã đè nặng áp lực lên công tác an sinh xã hội của TP.

Nêu ra những tình huống chưa từng có và rất đặc biệt đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đã liên hệ với chính sách của các nước trên thế giới. “Ở các nước như Mỹ, Đức họ cấp tiền trực tiếp cho từng người dân khi mà người dân không có việc làm” - ông Nhân nói.

Do vậy, ông Nhân cho rằng lúc này Nhà nước phải hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì được dòng tiền tệ cho hoạt động của mình, dù doanh nghiệp không hoạt động cũng phải có dòng tiền để giữ chân người lao động. Đồng thời, cần hỗ trợ người lao động để họ sống được dù không có việc làm để người lao động nuôi gia đình.

Ngoài ra, ông Nhân cũng kiến nghị cần có gói hỗ trợ ít nhất khoảng 6,5% GDP mà chủ yếu từ nguồn nợ công, tương đương 18 tỉ đô la (khoảng 410.000 tỉ đồng) để chi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động. Do đó, Quốc hội cần có nghị quyết riêng sử dụng nợ công trong tình hình suy giảm kinh tế rất đặc biệt thế này.

Sở dĩ đưa ra kiến nghị này, vì theo ông Nhân, hiện nay Chính phủ đã có kế hoạch và đang chi khoảng 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ. Đây là nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên con số này vẫn chưa đủ nhu cầu thực tế.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu ở 14 quốc gia trên thế giới, ông Nhân cho biết nhiều nước chi hỗ trợ rất lớn, họ dùng nợ công để chi hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong đó chia làm ba nhóm, đối với nhóm 5 nước phát triển ở châu Âu có nợ công tăng bình quân 20,6% để cứu nền kinh tế, nhóm 4 nước phát triển ngoài châu Âu có nợ công tăng 18,8% và 5 nước ở châu Á tăng trưởng chung giảm 9%, nợ công tăng 12,8%. Trong khi đó ở Việt Nam, trong 2 năm vừa qua nợ công tăng 0,5%.

Ghi nhận 12 ý kiến đại diện cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổng hợp đầy đủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cũng như Thành ủy, UBND TP.HCM.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cần tăng cường chính sách miễn, giảm thuế thay vì chỉ hoãn một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Đặc biệt, ông đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ hơn nữa với khó khăn của ngành kinh tế, nhất là chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân.

“Chúng ta không đặt vấn đề lợi nhuận lên trên mà phải chia sẻ lợi nhuận này một phần cho sản xuất kinh doanh. Đây là điều hết sức cần thiết trong lúc này. Việc này cần được làm tốt hơn với mọi ngân hàng chứ không chỉ các ngân hàng lớn của nhà nước” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhiều ngành kinh tế trong nhiều tháng có doanh số bằng 0

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, nhất là các ý kiến liên quan đến thẩm quyền giải quyết của TP.HCM.

Theo ông Hoan, để phục hồi kinh tế TP.HCM trở lại trạng thái bình thường cần khoảng 6 tháng, 9 tháng, thậm chí cả năm sau. Bởi “sức khỏe” của kinh tế đã đứng trước một tình huống rất khó khăn và thách thức. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế của TP trong 9 tháng đầu năm đều giảm rất sâu. Đặc biệt, các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp giảm rất sâu, thậm chí du lịch trong nhiều tháng có doanh số bằng 0.

Rất nhiều doanh nghiệp của TP đang đóng cửa, phá sản, tạm đóng cửa. Những doanh nghiệp có điều kiện thì hoạt động cũng không hết công suất và gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng lên. Nguồn vốn của doanh nghiệp đang cạn kiệt dần còn nguồn lực ngân sách đang ở vào thế khó khăn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm