Đến 2030, cả nước có 3.000 km đường cao tốc

“Năm qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) đối diện với nhiều khó khăn… Một khó khăn chính tôi cũng thường động viên ngành, đó là việc xử lý những vấn đề tồn tại các thời kỳ trước. Trong đó có liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thậm chí cả điều tra… Tuy nhiên, vừa qua bộ trưởng Giao thông đã rất năng nổ, trách nhiệm…” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành GTVT sáng 2-1.

Kiến nghị Chính phủ tăng phí theo lộ trình

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết trong năm 2019, đơn vị đã tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu, đặc biệt tại dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Tuy nhiên, tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận… Một số dự án còn để xảy ra khuyết điểm về chất lượng gây dư luận không tốt, như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến tránh Chư Sê (tỉnh Gia Lai).

Bên cạnh đó, việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng (BOO1, BOO2) gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT vẫn còn nhiều phức tạp, gây khó khăn trong công tác triển khai thu phí hoàn vốn các dự án.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thống nhất phương án, xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập đối với các trạm thu phí để hoàn vốn cho các dự án giao thông. Đồng thời, kiến nghị chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các địa phương có giải pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí đường bộ. “Ngoài ra, cho phép Bộ GTVT thực hiện điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT đang khai thác theo đúng lộ trình tăng giá đã ký kết với nhà đầu tư để hoàn vốn cho các dự án, tránh phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư…” - ông Lê Anh Tuấn kiến nghị.

Đối với hạ tầng sân bay, Bộ GTVT một lần nữa kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí vốn ngân sách nhà nước hoặc cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sử dụng nguồn thu phí từ khai thác khu bay (đường cất/hạ cánh, đường lăn) hoặc tự cân đối để sớm tiến hành sửa chữa, nâng cấp khắc phục hư hỏng đường cất/hạ cánh, đường lăn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đường lăn sân bay Nội Bài hư hỏng, sủi bùn nhưng chưa được đầu tư do vướng cơ chế. Ảnh: CTV

Sớm nâng cấp đường cất/hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Bộ GTVT còn lúng túng trong việc phân giao nhiệm vụ đầu tư, xây dựng và quản lý khu bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.

Nguyên nhân là do sau khi cổ phần hóa, Nhà nước quản lý khu bay, còn khu phục vụ bay thuộc ACV nắm giữ. Do vậy nên việc đầu tư, bảo trì, sửa chữa không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. “Chính vì vậy mới sinh ra việc ACV có kinh nghiệm và tài chính nhưng không được sửa chữa…” - Phó Thủ tướng nêu bất cập.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm rõ cơ chế đầu tư khu bay, trước hết là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

“Trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ghi rõ là giao cho nhà đầu tư, còn chỗ cổ phần hóa thì xử lý sau... Nên tôi yêu cầu Bộ GTVT tập trung tháo gỡ nhanh để báo cáo Thủ tướng nhằm kịp thời sửa chữa hạ tầng khu bay…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phê bình nhiều đơn vị để dự án chậm, chất lượng kém

Bộ GTVT phê bình Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi vì chưa chủ động đề xuất các giải pháp cũng như tham mưu cho tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, đối với dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh này; phê bình lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chậm trễ trong việc trình hồ sơ phương án tổng thể điều chỉnh kỹ thuật nhằm chiết giảm kinh phí thực hiện một số hạng mục thuộc dự án tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk).

Đối với dự án khôi phục và cải tạo quốc lộ 20, Bộ GTVT cũng phê bình đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát vì chưa thực hiện tốt công việc của mình tại hai gói thầu của dự án. 

Sớm khởi công cao tốc Bắc-Nam

Đối với hệ thống cao tốc, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có quy hoạch cụ thể, cố gắng đến năm 2021-2030 cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc. Theo đó, toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội nối với các tỉnh phía bắc sẽ có đường cao tốc để phát triển kinh tế-xã hội.

Về các dự án còn chậm tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. bộ gtvt sớm khởi công các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam và các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng. Đặc biệt, bộ sớm khởi công dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Long Thành, dự án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất…

Bên cạnh đó, bộ phải kịp thời giải trình với Hội đồng Thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để sớm báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, bộ cần phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội và TP.HCM thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ. “Đặc biệt, bộ phải sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, không người dân sẽ không đồng tình…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xác định ngành giao thông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. bộ trưởng cũng nhìn nhận nếu các dự án giao thông chậm tiến độ, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng môi trường cạnh tranh và phát triển của đất nước…

TP.HCM sẽ khởi công nhiều dự án quan trọng năm 2020

Báo cáo tại hội nghị, Sở GTVT TP.HCM cho biết năm 2019 TP đã ưu tiên tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cát Lái, các cửa ngõ TP và khu vực nội đô…

Đến 2030, cả nước có 3.000 km đường cao tốc ảnh 2
Nút giao An Phú thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: ĐÀO TRANG 

Theo đó, TP đã và đang tập trung triển khai khoảng 216 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư khoảng 78.158 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP và nguồn vốn ngoài ngân sách. Ngoài ra, Sở GTVT còn phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT quản lý các dự án đang triển khai trên địa bàn TP, như dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án cầu đường sắt Bình Lợi và nạo vét luồng sông Sài Gòn; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; phối hợp trong kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Sở GTVT TP cũng cho biết năm 2020 sẽ hoàn thành một số dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, một số hạng mục tại nút giao Bến xe Miền Đông mới; hoàn thành hầm chui An Sương…

Đồng thời, TP sẽ khởi công nhiều dự án quan trọng: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, một số dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là đẩy nhanh các thủ tục để sớm phê duyệt, triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án Phan Thúc Duyện nối dài để phục vụ cho xây dựng nhà ga T3 và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, các dự án phục vụ cho khu vực cảng Cát Lái như đường Nguyễn Duy Trinh, xây dựng nút giao Mỹ Thủy giai đoạn hai, mở rộng đường Đồng Văn Cống, có thể dùng nguồn lực của TP để sớm xây dựng nút giao An Phú… Và đẩy nhanh các thủ tục cho các dự án khép kín vành đai 2 của TP. 

ĐÀO TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm