Đến nhà mạng chụp ảnh: Xài dịch vụ sao cực quá!

Theo Nghị định 49/2017 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, các nhà mạng phải triển khai thu thập thêm thông tin của khách hàng. Trong đó, đáng chú ý nhất là phải có ảnh chân dung của từng chủ thuê bao SIM số.

Sau khi thông tin này được đưa ra, hàng loạt ý kiến bạn đọc gửi về đều chỉ ra đây là một đòi hỏi phi lý, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.

Đòi hỏi nhiều, đáp lại chẳng bao nhiêu

Cảm thấy bị đòi hỏi nhiều nhưng tiện ích lại không đi kèm, người dùng bức xúc nêu ra một loạt cái chưa được của mạng di động hiện nay.

Nhiều bạn đọc nói quá phiền hà bởi “trên CMND khi đăng ký đã có đủ thông tin, hình ảnh, bổ sung ảnh chân dung là dư thừa”. Bạn Hữu Thuận mỉa mai “chắc CMND không đáng tin” trong khi bạn Thanh Tuấn bình luận “lấy ảnh năm nay, năm sau có đòi cập nhật không, biết đâu có người đi phẫu thuật thẩm mỹ?”. “Nếu không tin CMND cần quy định thêm phải nộp hộ khẩu, bằng lái, lăn tay, xét nghiệm DNA luôn cho chắc” là lời bình của bạn Huỳnh Dung.

Tiếp đến là hàng loạt phàn nàn về tin nhắn rác. Các độc giả Minh Quân, Thanh Tuyền, Hoàng Hải đều cho biết “đa số tin nhắn rác tôi nhận được đều từ chính nhà mạng, quảng cáo dịch vụ, game, phim ảnh… Ngoài ra là từ doanh nghiệp chào mời mua nhà, đất”. Một câu hỏi lớn là từ đâu các doanh nghiệp này có thông tin khách hàng?

Tin nhắn rác vẫn ngập tràn. 

Độc giả Thành Hận bức xúc “nhà mạng nói không liên quan nhưng thực tế bảo hiểm, nhà đất vẫn dễ dàng có được số của tôi. Chất lượng bảo mật như vậy, nếu tôi cung cấp ảnh họ sẽ làm gì với nó?”.

“Nếu có ngày hình ảnh chân dung cùng thông tin cá nhân bị rò rỉ, rơi vào tay người có động cơ xấu thì chỉ có người dùng thiệt hại. Mua dịch vụ mà làm như chúng tôi cầu xin gì vậy, không có chút thoải mái, chỉ thấy phiền toái” là thái độ gay gắt của độc giả Vũ Đình Minh.

Dọa cắt sóng có đúng luật?

Đến cuối năm 2016, Việt Nam có gần 140 triệu thuê bao di động. “Tưởng tượng cảnh cả trăm triệu thuê bao ùn ùn đi chụp ảnh ở các quầy giao dịch thì sẽ hiểu làm được hay không” - bạn Thanh Tuyền ngắn gọn. “Làm xong trong một năm là viễn tưởng, nếu biết làm không được thì đừng đặt ra cho thêm việc” - bạn Huetuxe thẳng thắn.

Để được đảm bảo SIM chính chủ, khách hàng phải bỏ thời gian, công sức đi lại. 

Chưa kể nhiều khó khăn khách quan như “gia đình tôi có đến bốn người ở nước ngoài nhưng vẫn về nước thường xuyên và có dùng di động. Làm sao đảm bảo đi chụp ảnh đầy đủ trước hạn”, “mẹ tôi đã 78 tuổi, ở quê, chân run tai điếc, giờ đòi chân dung của bà có thấy phiền quá không các bác?”.

Nếu người dùng không làm theo yêu cầu thì sẽ bị cắt dịch vụ như thể họ đã vi phạm, làm sai điều gì. Cách làm đó gây tâm lý khó chịu, khiến có những bạn đọc như Thanh Sang phản ứng: “Chúng tôi dùng dịch vụ có đóng tiền, không ở đâu trên thế giới có thái độ đó với khách hàng”.

Nếu gây quá nhiều phiền hà, người dùng sẽ hạn chế hoặc cắt bớt số di động đang dùng, nhà mạng thất thu là thiệt hại trước mắt. Chưa kể quy định này còn thêm việc, thêm tốn kém trang thiết bị cho nhà mạng trong khi nhu cầu nắm thông tin thực sự không cần đến mức đó. Một giao dịch viên thừa nhận “điều này chỉ làm ở thành phố được thôi mà cũng không triệt để, ở thôn quê càng không ai quan tâm”.

Đa số chỉ có khách hàng ở đô thị mới "chịu khó" làm theo yêu cầu.

“Bắt nhà mạng cắt sóng như vậy có đúng luật không? Đây là thỏa thuận hai chiều, không thể đơn phương hủy dịch vụ như thế” - bạn Hoabuoi nhấn mạnh.

Mặc dù nhà mạng đã cố gắng hỗ trợ tối đa, khách hàng chỉ cần có mặt ở cửa hàng, việc còn lại nhân viên giao dịch sẽ lo. Thế nhưng để có mặt đã là cả một sự sắp xếp về thời gian, công việc, đi lại trong khi nhiều người thấy là “đòi hỏi dư thừa. Lợi ai, ai khen?”.

Nhiều người tiên đoán “quy định này sẽ sớm phải chỉnh sửa” và đây cũng là hy vọng của đại đa số người dùng mạng di động nghiêm túc. Còn người không nghiêm túc, họ đã chẳng quan tâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm