Dẹp buôn bán lấn đường khó quá!

Nhiều người dân sống ở đường Bình Thới (phường 14, quận 11, TP.HCM) phản ánh: Hẻm 32 thông ra đường Ông Ích Khiêm rộng hơn 4 m thường xuyên bị các hộ kinh doanh cà phê bày biện bàn ghế lấn hẻm. Các thanh niên nhàn rỗi tụ tập đánh cờ tướng rồi la hét rất ồn ào.

Vẫn tái phạm dù biết sai

Còn tại hẻm 45 tuy chỉ dài độ 30 m nhưng có hộ chứa các bao ve chai từ đầu hẻm đến giữa hẻm khiến hẻm bị dơ bẩn... Đã có trẻ con bị trầy xước vì dẫm đạp lên ve chai rơi vãi ra xung quanh trong lúc vui chơi. Tương tự, ở con hẻm 86 cũng có nhiều hộ để xe đẩy, đặt bàn buôn bán lấn hẻm vào giờ cao điểm. Buổi chiều ở đây xuất hiện chợ tự phát khiến bà con đi lại rất khó khăn. Hẻm 177 cũng rơi vào tình trạng tương tự...

Từ phản ánh của bạn đọc, chúng tôi ghi nhận thêm ở hẻm 210 Trịnh Đình Trọng (phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) có một số hộ kinh doanh các tấm nhựa cao su làm dép. Điều bà con lo âu là các tấm nhựa cao su chất cao lấn hẻm, kéo dài đến cạnh cây xăng gần đó, khiến có nhiều nguy cơ cháy nổ.

Dẹp buôn bán lấn đường khó quá! ảnh 1

Các bao ve chai chiếm hẻm 45 đường Bình Thới, phường 14, quận 11 (TP.HCM). Ảnh: TH

Dẹp buôn bán lấn đường khó quá! ảnh 2

Nhiều xe đẩy buôn bán lấn đường trước Công viên Lê Thị Riêng, đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM). Ảnh: YH

Trao đổi với một số lãnh đạo địa phương, chúng tôi được biết địa phương đã nhiều lần chấn chỉnh nhưng vì ý thức người dân chưa cao, một số nơi vì điều kiện gia đình khó khăn… nên bà con cứ tái phạm dù biết là mình sai.

Ông Nguyễn Văn Cương (Chủ tịch UBND phường 14, quận 11, TP.HCM) nhìn nhận: “Do bà con là dân lao động nghèo nên chủ yếu phường chỉ vận động nhắc nhở, chưa có trường hợp nào phường lập biên bản xử phạt. Việc chiếm hẻm 32 để rửa xe, đặt bàn bán cà phê và nhiều người tụ tập đến đánh cờ tướng phường có biết và đã cho cảnh sát khu vực cùng đại diện khu phố đến nhắc nhở. Hẻm 45 bị chiếm để các bao ve chai, phường có yêu cầu người chủ phải dẹp và người này có cam kết hết hàng sẽ không làm nữa nhưng rồi không thực hiện, lại tái diễn tình trạng trên. Riêng hẻm 86 tại khu vực ngã ba cuối đoạn hẻm 100 có tình trạng buôn bán lấn chiếm nhưng một bên thuộc địa bàn phường khác nên phường sẽ rà soát, nếu hộ nào thuộc phường quản lý sẽ đến vận động bà con dọn dẹp cho đường đi thông thoáng...”.

“Oằn mình” xử lý

Người dân sống ở khu vực phía trước Công viên Lê Thị Riêng (đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM) phàn nàn: Trong khoảng 100 m, người ta tranh nhau lấn đường để bán hàng khiến đường luôn bị tắc, khung cảnh thì nhốn nháo… Tại đây, đã có nhiều tai nạn xảy ra.

Đường Cách Mạng Tháng Tám phía trước Công viên Lê Thị Riêng thuộc địa phận hai phường: Phường 15 (quận 10) và phường 11 (quận 3). Lãnh đạo hai phường này cho biết đã phải “oằn mình” để đối phó với tình trạng trên nhưng nhiều năm rồi chưa đạt kết quả.

Ông Ngô Phương Thanh (Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận 10) nói: “Chúng tôi làm muốn ngưng thở luôn nhưng chưa dẹp được. Nhiều năm liền chúng tôi đã thành lập phương án cho riêng khu vực này nhưng do lực lượng mỏng và đặc biệt là sự manh động, bất chấp của đội ngũ bán buôn. Khi thấy có cơ quan chức năng là họ chạy thục mạng, lao ra giữa đường cốt để giữ xe. Đuổi bên này họ chạy sang bên kia đường thuộc địa bàn phường khác, rồi họ chui vô hẻm… không thể làm gì nổi”.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, giữa tháng 10 vừa rồi, phường đã thành lập tổ quản lý trật tự đô thị phường, xây dựng kế hoạch liên tịch với phường 11 (quận 3) để thống nhất hành động. Cử lực lượng túc trực, để xe công an túc trực. Ban đầu là tuyên truyền, vận động, làm việc với từng hộ buôn bán của mỗi phường. Nếu họ mãi chây ì thì phường kiên quyết xử lý.

Còn ông Nguyễn Văn Cường (Chủ tịch UBND phường 11, quận 3) chia sẻ: “Trước khi ký quyết định liên tịch, phường cũng thực hiện nhiều phương án: Treo băng rôn tuyên truyền, ra quân xử lý việc bán buôn lấn chiếm lòng đường trước Công viên Lê Thị Riêng. Tuy nhiên, băng rôn treo lên thì đêm bị cắt xuống, mỗi lần ra quân đều bị lực lượng buôn bán này cử người theo dõi nên biết trước. Sau quyết định liên tịch thì sẽ túc trực chốt chặn làm ba ca sáng, chiều, tối mỗi ngày. Đồng thời, một tuần phường sẽ đồng loạt ra quân hai lần. Phường cũng rà soát những hộ buôn bán để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Hy vọng tình hình sẽ được cải thiện”...

Các cơ quan tăng cường phối hợp

“Để kiên quyết dẹp nạn mua bán lấn chiếm đường ở Công viên Lê Thị Riêng, phường cũng đã kiến nghị Khu Quản lý giao thông đường bộ số 1 đặt bảng cấm đậu xe ngay phía trước công viên. Đồng thời, phường cũng đề xuất Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kéo dài dải phân cách phía trước công viên, không để diện tích thừa để không còn chỗ cho ai lấn chiếm buôn bán” - ông Ngô Phương Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường 15 (quận 10), cho biết.

Ông Nguyễn Văn Cường (Chủ tịch UBND phường 11, quận 3) nói thêm: “Theo Nghị định 71 thì mức phạt hành chính trong hoạt động buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường là 2-3 triệu đồng nhưng sau đó sẽ trả lại xe đẩy, hàng hóa. Điều này đồng nghĩa với thả hổ về rừng. Phải làm sao có cách phạt triệt để hơn như tịch thu luôn phương tiện...”.

TH.HIẾU - Y.HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm