Ngày 6-7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu hội trường Bộ Công an; truyền trực tuyến tới hội trường công an 63 tỉnh, TP và các quận, huyện với trên 35.000 người tham dự.
Nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm giao thông
Phát biểu kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phối hợp thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt và đạt được nhiều hiệu quả quan trọng, tạo được sự đồng bộ tốt hơn trong triển khai thực hiện…
|
Tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM vẫn là thách thức lớn. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Từ đó đã giảm 37% số vụ, 29% số người chết và 44% số người bị thương do tai nạn giao thông so với 10 năm trước. Gần đây, lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng được giao nhiệm vụ đã kiên quyết đẩy mạnh kiểm tra pháp luật về giao thông.
“Trong sáu tháng đầu năm 2023, trung bình mỗi ngày lực lượng chức năng xử lý trên dưới 2.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông; tăng cường xử lý phương tiện giao thông vận tải quá khổ, vi phạm tải trọng…” - bà Mai nói và nhấn mạnh đây là những chuyển biến mới, tích cực, góp phần hình thành văn hóa giao thông. Kết quả này không chỉ trực tiếp tác động đến TTATGT mà còn góp phần giảm tội phạm do sử dụng rượu bia.
10 năm, hơn 76.000 người chết do tai nạn
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 năm (2013-2022), công an đã lập biên bản, xử lý trên 40 triệu trường hợp vi phạm TTATGT với số tiền hơn 27.000 tỉ đồng; các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, xét xử hơn 41.000 vụ án, khởi tố hơn 42.000 bị can.
Từ năm 2012 đến 2022, trên cả nước đã xảy ra 190.020 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người. Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 20.000 vụ tai nạn, làm chết 7.000 người, bị thương 16.000 người.
Tuy vậy, Thường trực Ban Bí thư cũng nhìn nhận tai nạn giao thông giảm chưa được bền vững, ý thức chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông vẫn là vấn đề lâu dài. Tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM vẫn là thách thức lớn. Do vậy, phải có giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn, góp phần mang lại sự bình yên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Cạnh đó, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu trước nhân dân đối với vấn đề TTATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.
Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, bà Mai đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm việc di dời trụ sở, trường học, bệnh viện, khu sản xuất lớn ra ngoài khu trung tâm; chú trọng phát triển phương tiện giao thông vận tải công cộng; điều chỉnh quy mô dân số hợp lý…
Tập trung thực hiện tốt sáu nhóm giải pháp
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện sáu nhóm giải pháp mà Chỉ thị 23 đã đề ra.
Đáng chú ý, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và người dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT.
Tiếp đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân trong công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng.
Thể chế hóa các cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT. Đánh giá tác động về TTATGT đối với các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn, xem đây là giải pháp rất hiệu quả để phòng ngừa các nguy cơ gây mất TTATGT trong quá trình quy hoạch, nhất là tại các đô thị lớn.
Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Nâng cao chất lượng công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện và kiến thức kỹ năng của người điều khiển phương tiện giao thông…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành và UBND các địa phương căn cứ nội dung của Chỉ thị 23 và kết luận chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại hội nghị này để tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành, thành ủy, tỉnh ủy các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc.
TP.HCM có bộ phận trực tại 24 điểm ùn tắc
Báo cáo tại đầu cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết TP.HCM là đầu mối giao thông của khu vực nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc giao thông luôn là vấn đề “nhức nhối” của địa phương. Nguyên nhân là do số xe tham gia giao thông tăng nhanh, trong khi điều kiện kết cấu hạ tầng chưa được cải thiện.
Theo ông Cường, TP đang quản lý gần 14 triệu người với khoảng 4 triệu dân nhập cư nhưng hệ thống dịch vụ giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, các cấp ủy và chính quyền TP sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp. Đáng chú ý, TP.HCM duy trì bộ phận thường trực tại 24 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông; có phương án bảo đảm TTATGT khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…
TP cũng sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.