Dân Quảng Nam góp từng mớ rau, quả bí chống dịch COVID-19

Giữa thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19, nhiều người dân đã tình nguyện góp công sức, hỗ trợ những bao gạo, thùng mì tôm, chai dầu… tới mớ rau củ cho đồng bào và chiến sĩ trong khu cách ly quân đội. 

Những hình ảnh ấm áp và bền chặt tình quân dân ấy khiến những người làm nhiệm vụ tại khu cách ly huyện Đại Lộc (Quảng Nam) rất cảm kích.

Chiều 1-4, chuyến xe đầu tiên chở những người con Đại Lộc bươn chải làm ăn ở TP.HCM, Hà Nội về đến khu cách ly Ban chỉ huy Quân sự huyện.

Phụ nữ các xã ủng hộ gạo, dầu ăn, bột ngọt cho bà con trong khu cách ly chống dịch COVID-19. Ảnh: THANH NHẬT

Chỉ sau hai ngày, số lượng người cách ly đã tăng lên đáng kể, công việc bắt đầu trở nên vất vả hơn với cán bộ làm nhiệm vụ.

Để chia sẻ khó khăn, chung tay cùng cán bộ tuyến đầu. Nhiều đoàn viên thanh niên, công nhân viên chức, phụ nữ và Ban chỉ huy Quân sự các xã của huyện Đại Lộc đã tích cực xung phong tiếp lửa cho lực lượng làm nhiệm vụ, đảm bảo từng bữa ăn cho những người con xa xứ làm ăn nay về quê cách ly.

Rau củ người dân ủng hộ gửi vào bên trong khu cách ly. Ảnh: THANH NHẬT

Ở bên ngoài xã hội, hay tin bà con xa quê về đến nơi trong thời điểm đầy khó khăn. Người dân Đại Lộc không ngần ngại đóng góp những thứ nhỏ nhất để chia sẻ với bà con.

Những bao gạo, thùng mì, chai dầu đầu tiên được những cán bộ đoàn, phụ nữ gom góp từ người dân đưa đến khu cách ly. Từ đó, những nông sản “cây nhà lá vườn”, từng bó rau, quả bí… cũng được người dân thu gom chuyển đến.

Những mớ rau, quả cà của người dân tiếp sức cho bà con, chiến sĩ trong khu cách ly thể hiện sự gắn kết và cái tình đồng bào. Nó tiếp thêm động lực cho những người làm nhiệm vụ, những người dân yên tâm hoàn thành cách ly.

Đoàn viên thanh niên tham gia công tác hậu cần. Ảnh: THANH NHẬT

Bà Nguyễn Thị Mừng (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đại Lộc) chia sẻ, với tinh thần toàn dân tham gia chống dịch, hội đã huy động chị em phụ nữ các xã, thị trấn cùng tham gia nấu ăn, làm hậu phương vững chắc cho những người dân đang thực hiện cách ly.

Trung tá Phạm Đức Công (Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc) cho biết số lượng người chuyển đến khu cách ly ngày một đông, áp lực công việc cho lực lượng làm nhiệm vụ hậu cần tăng đáng kể nên có ý định kêu gọi tình nguyện viên tham gia cùng.

Người dân ủng hộ từng quả trứng, mớ rau cho bà con người Quảng trở về quê ở trong khu cách ly... Ảnh: THANH NHẬT

“Rất vui là nhận được sự hưởng ứng tích cực của chị em phụ nữ, đoàn viên, giáo viên địa phương và cán bộ Ban chỉ huy Quân sự các xã. Cũng không ngờ là tinh thần của người dân lại đáng trân quý như thế. Nhiều nông sản, nhu yếu phẩm được người dân thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện gửi vào làm chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng” - Trung tá Công nói.

Không chỉ vậy, khu cách ly còn đón nhận sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia đóng góp để chia sẻ bớt khó khăn của bà con xa quê trở về.

Theo Trung tá Công, hiện nay số tình nguyện viên tham gia đã khá nhiều. Mọi người chia nhau theo từng ngày để phục vụ công tác hậu cần. Bên cạnh đó, lượng nông sản của bà con ủng hộ cũng khá nhiều nên thông báo cho bà con tạm thời dừng ủng hộ trong thời gian vài ngày tới để tránh tình trạng lãng phí.

Hàng trăm suất cơm chuẩn bị mang đến cho người cách ly. Ảnh: THANH NHẬT

Đảm bảo bữa ăn có thịt cho người dân. Ảnh: THANH NHẬT

Phục vụ cả cơm chay cho người dân. Ảnh: THANH NHẬT

Trước đó, trao đổi với PLO, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho hay sẽ không thu phí và lãnh đạo tỉnh đã trao đổi với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân làm ăn xa ở Hà Nội, TP.HCM trở về cách ly. 

"Riêng tôi cũng đã đi vận động được 500 kg thịt gà để đem cho bà con. Xuất phát từ thực tế đó nên tỉnh mới quyết định không thu tiền để bà con yên tâm cách ly. Nhưng chúng tôi cũng yêu cầu bà con chấp hành đúng, không được trốn cách ly và xét nghiệm sàng lọc xem có ai dương tính không để điều trị" - ông Cường nhấn mạnh.

Qua khảo sát của tỉnh Quảng Nam, số người dân từ Hà Nội, TP.HCM về gần như 99% là hộ nghèo và khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm