Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao nhất nước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp trực tuyến sáng 8-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiều ca không xác định được nguồn lây

Tại cuộc họp, các thành viên ban chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi trước 0 giờ ngày 22-3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam thì vẫn còn hàng trăm ngàn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.

Vì vậy, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TP.HCM), BV Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng. Chúng ta dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý trong giai đoạn này phải rất chú ý đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0) để tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, qua một số ca bệnh số 243, 247, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng. Một số ý kiến quy ngay nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ, đơn cử như BN243 được cho là lây từ ổ dịch BV Bạch Mai, đó là trường hợp dễ nhất nhưng phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ đó mà từ cộng đồng.

Và qua thực tế, PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định có khả năng trường hợp BN243 không lây nhiễm từ BV Bạch Mai vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy BN243 di chuyển nhiều nơi nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây là từ cộng đồng.

“Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ” - ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 8-4. Ảnh: VGP

Mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Đồng thời, 1-2 ngày qua đã xuất hiện tình trạng người dân ra khỏi nhà nhiều hơn dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, phải kiên quyết chấn chỉnh, tránh tâm lý chủ quan, lơi lỏng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…

Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về nước; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.

Thay mặt ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cám ơn Bộ Công an, Hội Chữ thập đỏ, các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội… đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị trong mùa dịch. 

Hà Nội: 62 ca nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 chiều 8-4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá TP Hà Nội đang có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng cao nhất nước.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết đến 14 giờ ngày 7-4, Hà Nội có 102 ca bệnh, trong đó 40 ca phát hiện do xét nghiệm sàng lọc tại nơi cách ly tập trung, 62 ca phát hiện tại cộng đồng. Trong các ca bệnh lây nhiễm tại cộng đồng, có tới 38/62 ca có liên quan đến BV Bạch Mai (22 người là nhân viên Công ty Trường Sinh).

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay một số nước thực hiện giãn cách xã hội ban đầu thì tốt nhưng về sau lại thực hiện không quyết liệt nên đã có thêm nhiều ca nhiễm mới. Tại Vũ Hán đã có trường hợp tái nhiễm; có 16% ca nhiễm Hong Kong (Trung Quốc) từ châu Âu về không có biểu hiện bệnh và phải 19 ngày sau mới phát hiện dương tính.

Theo đó, ông yêu cầu các đơn vị của Hà Nội tiếp tục nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch đối với những ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm cao. Ông Chung cũng thông tin Hà Nội sẽ tổ chức xét nghiệm tất cả trường hợp mà công an đang tạm giam, tạm giữ. Các trường hợp cách ly tập trung trước khi hết thời hạn cách ly thì phải xét nghiệm RT-PCR và khuyến khích họ tiếp tục tự cách ly 14 ngày nữa. Số người liên quan đến BV Bạch Mai sẽ xét nghiệm hết trong tuần này, đồng thời mở rộng test nhanh đối với các người đi bán hoa ở chợ hoa Quảng Bá (liên quan đến BN243).

Hai ca nhiễm mới, bốn ca được công bố khỏi bệnh

Ngày 8-4, Bộ Y tế công bố hai ca nhiễm mới.

Bệnh nhân 250 (BN205): Nữ, 50 tuổi, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là hàng xóm và có tiếp xúc gần BN243. Ngày 2-4 khởi phát bệnh. Ngày 5-4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7-4 ,xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 251 (BN251): Nam, 64 tuổi, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam. Từ ngày 20-3 đến nay, bệnh nhân điều trị tại Khoa tiêu hóa, BV đa khoa tỉnh Hà Nam, con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6-4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7-4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, trong ngày có bốn bệnh nhân điều trị tại TP.HCM được công bố khỏi bệnh. Đó là BN125, BN126 và BN152, ba người có liên quan đến bar Buddha, được điều trị tại BV điều trị COVID-19 Cần Giờ. BN153 điều trị tại BV dã chiến Củ Chi.

Tính tới nay, tổng số ca nhiễm của Việt Nam là 251. Đây cũng là lần đầu tiên trong giai đoạn hai của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, số ca khỏi bệnh tại Việt Nam nhiều hơn số bệnh nhân đang bị nhiễm: 126/251 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm