Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2012

Tình trạng chênh lệnh thu nhập và mất cân đối tài chính gia tăng trong 10 năm tới là hai rủi ro toàn cầu lớn nhất có nguy cơ đảo ngược thành quả của chiến lược toàn cầu hóa và đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới. Các rủi ro toàn cầu lớn kế tiếp gồm khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng, nạn tấn công mạng và nguồn nước thiếu thốn.

Báo cáo với tựa đề Rủi ro toàn cầu năm 2012 được tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 11-1 trước thềm hội nghị thường niên của WEF tại Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 25-1 tới.

Báo cáo nhận diện 50 rủi ro toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội, công nghệ và địa chính trị. Điểm thay đổi quan trọng trong báo cáo năm nay là WEF nhấn mạnh đến các rủi ro kinh tế-xã hội chứ không xoáy sâu vào môi trường như những năm trước.

Căn cứ kết quả phân tích tính chất liên kết và tác động qua lại của 50 rủi ro mang tính chất toàn cầu, báo cáo đưa ra ba nhóm rủi ro lớn trong 10 năm tới như sau:

● Nhóm rủi ro thứ nhất là những mầm mống cho viễn ảnh một thế giới đầy khó khăn cho con người khi dân số trẻ ngày càng tăng nhưng cơ hội việc làm lại ngày càng ít, số người về hưu tăng cao và khoảng cách giàu-nghèo ngày càng nới rộng đe dọa đến tình hình ổn định chính trị và xã hội.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2012 ảnh 1

Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định mức chênh lệch thu nhập gia tăng là rủi ro toàn cầu lớn nhất trong 10 năm tới. Biếm họa về phong trào Chiếm Wall Street ở Mỹ của MONTE WOLVERTON (Mỹ).

WEF kêu gọi hai khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước cần phối hợp để ngăn ngừa cái vòng luẩn quẩn: Kinh tế khó khăn làm tan vỡ ảo mộng xây dựng cuộc sống và gây tổn hại đến cam kết xã hội giữa nhà nước và công dân.

WEF cảnh báo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ sẽ nóng lên trên toàn cầu vì tình hình mất cân đối tài chính kéo dài dai dẳng và mức chênh lệch thu nhập quá lớn.

Giám đốc mạng lưới phản ứng rủi ro của WEF Lee Howell cho biết lần đầu tiên trong nhiều thế hệ, nhiều người dân không còn tin rằng con cái họ lớn lên sẽ được thụ hưởng mức sống tốt hơn thế hệ trước.

Nhóm rủi ro thứ hai là các hệ thống bảo đảm thịnh vượng và an toàn cho con người không còn hiệu quả nữa trong khi thế giới ngày càng trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau.

WEF nhận định các chính sách và định chế hình thành trong thế kỷ 20 có thể không còn thích hợp để đối phó với các rủi ro hiện nay. WEF cho rằng các hệ thống bảo vệ phải mang tính dự báo chứ không chỉ để đối phó rủi ro và các quy định phải được xây dựng linh hoạt để phản ứng có hiệu quả trước những thay đổi.

Nhóm rủi ro thứ ba chính là mặt tiêu cực của tính kết nối (Internet) khi các cộng đồng xã hội dễ bị tổn thương trước các vụ tấn công mạng mà các cá nhân, tổ chức hay quốc gia có ác ý gây ra.

Với 5 tỉ người sử dụng điện thoại di động trên toàn cầu kết hợp với khả năng kết nối Internet và các ứng dụng khác, cuộc sống hằng ngày dễ bị đe dọa bởi vấn nạn tấn công mạng và các sự cố liên quan đến kỹ thuật số.

WEF nhận xét công nghệ mới và mạng xã hội đã tạo điều kiện cho “mùa xuân Ả Rập” lan rộng nhưng đồng thời cũng là công cụ tiếp tay cho các vụ bạo động đốt xe, cướp bóc ở thủ đô London (Anh) vào mùa hè năm 2011.

Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2012 đưa ra ba kết luận:

- Các nhà hoạch định chính sách cần nắm rõ hơn các động lực tạo điều kiện cải thiện khả năng phối hợp để đối phó với các rủi ro toàn cầu.

- Niềm tin đầy đủ hay sự thiếu niềm tin của công chúng đối với các nhà lãnh đạo là nhân tố chủ chốt quyết định đến mức độ rủi ro.

- Công chúng cần sự trao đổi, chia sẻ thông tin tốt và minh bạch hơn về các rủi ro.

LÊ LINH (Theo AP, Weforum.org)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm