Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành:

“Điều tiên quyết là chính sách!”

Khi người dân không có việc làm thì không có thu nhập, dẫn đến không có tiền mua sắm, kéo theo cầu giảm, kinh tế không phát triển… Kinh tế khó khăn sẽ kéo theo nhiều vấn đề  của xã hội nữa.

Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc xét lại mình, phải tự đặt câu hỏi vì sao những chính sách đưa ra nhưng lại không thực hiện được. Nếu không có sự nhìn nhận lại, chỉ nói những điều tích cực thì khó có sự điều chỉnh cần thiết.

Tôi xin cụ thể: Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu 2013 tăng nhưng mức tăng này lại đến chủ yếu từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vậy còn các DN trong nước? Theo tôi biết, vấn đề cốt lõi khiến DN FDI “thắng” là do chi phí sản xuất của họ thấp hơn DN của chúng ta nhiều. Ví như lãi suất của họ chỉ từ 1% đến 2%. Thêm nữa, họ không bị gánh chi phí “bôi trơn”. Một số chuyên gia đã tính toán rằng chi phí “bôi trơn” mà các  DN trong nước đang phải gánh là rất cao, khoảng từ 5% đến 10% chi phí sản xuất. Nếu như vậy thì DN “mất cánh” rồi, làm sao bay lên được? Trên thế giới, DN chỉ cần cách nhau chi phí 1% thì đã có bất lợi về cạnh tranh rồi, vậy mà chúng ta lại tự mình làm mất ưu thế của DN trên chính sân nhà. Từ đây đòi hỏi việc xử lý tham nhũng cần phải quyết liệt hơn nữa!

Ngoài ra, DN trong nước cũng gặp khá nhiều vấn đề về mở rộng thị trường, quy mô còn nhỏ, nhân sự đủ tầm để thương thảo được với những tập đoàn lớn…

Câu chuyện vẫn xoay quanh chính sách. Thực sự năm 2013 chúng ta mới có biện pháp nhất thời, gọi là “chữa lửa” chứ chưa có chính sách dài hơi. Đây là vấn đề  mà cơ quan quản lý phải xem lại. Chẳng hạn vấn  đề bất động sản, chúng ta để nó tự phát rồi tự đưa vào ngõ cụt. Thị trường bất động sản “sản sinh” ra những phân khúc sản phẩm nhà ở không có thị trường và đưa ra giá trên trời. Đó là lý do người tiêu dùng không với tới được, chỉ có những nhà đầu cơ mua bán với nhau. Chúng ta đã bị kẹt ở thị trường bất động sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mà không có lối ra.

Ngay cả chính sách nhà ở xã hội với giá 10 triệu đồng/m2 cũng không có người mua. Nhà xã hội mà 600 triệu đồng, người dân lấy đâu ra đủ số tiền đó mà mua? Còn đi vay, mức lãi 6% cũng không phải là thấp. Mỗi tháng người dân cũng phải trả trên 10 triệu đồng, người thu nhập thấp làm sao có được số tiền ấy.

Năm 2013 ta bị bội chi, tức là thu không kịp chi. Thu không đủ chỉ tiêu là do DN khó khăn. Nếu chúng ta “vắt cổ chày ra nước” với DN thì DN chỉ có chết. Do vậy, phải chấp nhận giảm thu để tạo điều kiện cho DN sống trước đã. Còn về chi, chúng ta phải xem lại những khoản chi lãng phí. Chẳng hạn, chi phí về lương lớn, nhưng bộ máy cồng kềnh làm việc không hiệu quả. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng từng thẳng thắn nói rồi, có nhiều người 9 giờ sáng chưa vào cơ quan, khi vào rồi thì chơi game, đọc báo… Thực ra Chính phủ đã biết hết chuyện này, cái cần là giải pháp. Ngay cả việc tiệc tùng, hay xây dựng hội sở ở các nơi cứ như dinh thự lớn, ta phải xem lại có hợp lý không.

Với các DNNN, cần nhanh chóng “thanh lý” hết những DNNN nào không cần thiết, không hiệu quả để tiết giảm đầu tư.

Năm 2014, ta cần tập trung cao độ vào chính sách. Cần có những đột phá hơn nữa để vượt qua khó khăn.

Cụ thể, đầu tiên phải xem lại chính sách tiền tệ. Phải đảm bảo lưu lượng tiền tệ cần thiết để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, tức phải quản lý làm sao để tín dụng không quá nhiều để sinh ra lạm phát, không quá ít để sinh ra thiểu phát. Đặc biệt, phải quản lý mặt bằng lãi suất hợp lý để DN làm ăn, tạo thế cạnh tranh với DN nước ngoài.

Thứ hai, bằng mọi cách chúng ta phải có những chính sách để giảm chi phí sản xuất của DN xuống. Để làm được điều đó thì phải giải quyết những vấn đề tiêu cực, tham nhũng.

Thứ ba, về xuất khẩu phải có những chính sách tài trợ có hệ thống.

Thứ tư, phải có chính sách phát triển bất động sản trong 20 năm tới.

Ngoài ra, cần gấp rút đào tạo nhân sự, nâng cao tinh thần phục vụ của cơ quan nhà nước đối với nền kinh tế. Để làm điều này thì lương công chức cũng phải xem lại, để công chức không cần ăn hối lộ vẫn sống tốt…

MAI PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm