Định giá lại tài sản THA: Phải có hướng dẫn để dễ thi hành

Điều 59 Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 quy định: “Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của luật này để thi hành án”.

Đây là quy định mới so với Pháp lệnh THADS năm 2004. Trước đây, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn giải quyết việc thi hành án (THA) khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm THA như sau:

Trong trường hợp người được nhận tiền đã có đơn yêu cầu THA nhưng người được nhận tài sản không tự nguyện THA, khi THA, nếu giá trị tài sản giảm thấp hơn so với thời điểm bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan THA buộc người được nhận tài sản phải thanh toán số tiền theo bản án, quyết định của tòa cho người được nhận tiền (kể cả lãi suất chậm THA, nếu có).

Định giá lại tài sản THA: Phải có hướng dẫn để dễ thi hành ảnh 1

Kê biên một ngôi nhà chuẩn bị cưỡng chế thi hành án. Ảnh: HTD

Trường hợp giá trị tài sản tăng cao hơn nhiều lần so với thời điểm bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan THA buộc người nhận tài sản phải thanh toán cho người được nhận tiền theo giá trị tại thời điểm THA nhưng không tính lãi suất chậm THA, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận.

Ví dụ: Bản án của tòa án xử việc ly hôn giữa anh A và chị B quyết định chia tài sản chung là ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng cho anh A, anh A phải thanh toán cho chị B 1/2 giá trị ngôi nhà là 50 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, anh A không tự nguyện thanh toán cho chị B 50 triệu đồng, đến khi THA thì giá trị ngôi nhà là 300 triệu đồng. Trong trường hợp này, cơ quan THA buộc anh A phải thanh toán 1/2 giá trị ngôi nhà là 150 triệu đồng cho chị B; nếu anh A không tự nguyện thanh toán tiền cho chị B, thì cơ quan THA có quyền kê biên, xử lý ngôi nhà để THA.

Thế nhưng đây chỉ là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có giá trị thực thi. Hơn nữa kể từ ngày Luật THADS năm 2008 có hiệu lực, các quy định trái với luật này đều không còn hiệu lực.

Nay Điều 59 Luật THADS năm 2008 đã có quy định việc THA khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm THA. Nhưng các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành điều luật này, nên việc THA gặp vướng mắc trong nhận thức và áp dụng dẫn đến thực trạng nơi gật, nơi lắc như bài báo nêu.

Trở lại ví dụ nêu trên: Tại thời điểm THA tài sản có thay đổi, 1/2 giá trị nhà có giá trị 150 triệu đồng. Ông A không tự nguyện THA thì cơ quan THA có được tiến hành định giá lại để buộc ông A phải trả cho bà B 150 triệu đồng theo Điều 59 Luật THADS hay chỉ thi hành theo bản án là 50 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành?

Nếu chấp hành viên thi hành theo Điều 59 Luật THADS thì vô hình trung chấp hành viên đã “cải sửa” một phần nội dung quyết định của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, nếu không áp dụng Điều 59 Luật THADS thì chấp hành viên cũng phải chịu trách nhiệm về việc không thực thi theo quy định của Luật THADS. Từ đó cho thấy cơ quan THADS dù “lắc” hay “gật” cũng bị coi là... trái luật!

Chúng tôi nhận thấy thông báo của Tổng cục THADS trong cuộc họp tổng kết ngành sáu tháng đầu năm nào đó như bài báo phản ánh cũng không phù hợp với quy định pháp luật cả về hình thức thức lẫn nội dung. Vì vậy cần phải có văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền về việc thi hành Điều 59 Luật THADS.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm