Đinh tai, hại… tim

Thông thường chẳng mấy ai chịu tầm soát bệnh cao huyết áp trong khi bệnh tim mạch trước sau vẫn đứng đầu về tỉ lệ tử vong. Vậy mà khi nước đến chân vì thiếu máu cơ tim thì cholesterol 10 lần như một bị mang ra hài tội đủ điều, làm như chất mỡ có sẵn trong máu!

Đâu chỉ tại cholesterol

Đúng là mạch máu không vô cớ bỗng xơ vữa làm chi để tim phải mệt nhoài vì ngày đêm gắng sức đẩy máu qua chỗ kẹt xe. Đúng là trong mảng xơ vữa có chất béo nhưng nếu tưởng chỉ vì thừa cholesterol trong máu thì sai có khi cả… cây số! Bằng chứng là theo kết quả nghiên cứu hẳn hòi ở Hoa Kỳ, gần phân nửa trường hợp nhồi máu cơ tim phải vào cấp cứu có lượng mỡ máu không hề vượt chuẩn. Đáng nói là trong số đó, hơn phân nửa là người có cuộc sống gắn liền với tiếng động thái quá!

Từ lâu, các thầy thuốc đã chứng minh mối liên hệ rõ ràng giữa kích ứng chói tai và phản ứng co thắt mạch máu trên thành tim. Đối với hệ thần kinh giao cảm, cơ quan điều chỉnh nhịp tim cũng như chức năng co giãn của mạch máu, nghĩa là trực tiếp ảnh hưởng trên dung lượng máu cũng như hàm lượng dưỡng khí để nuôi dưỡng thành tim. Tiếng động đinh tai nhức óc, tiếng động khiến người nghe phải giật mình, chẳng khác nào một thể dạng stress với cường độ tác hại không thua stress do kẹt xe! Khi đó, cơ thể phản ứng sai lệch bằng cách vừa phát tín hiệu co mạch, vừa khiến dòng máu trở nên đậm đặc. Điều này khiến dòng máu chảy qua chỗ chật chội như ở các khúc quanh trên thành tim, trên vỏ não chậm hơn bình thường khiến các thành phần lúc nào cũng nhàn du trong mạch máu như tiểu cầu, chất mỡ, chất vôi… có đủ thời giờ tấp vào thành mạch máu rồi bám cứng như đỉa đói.

Đinh tai, hại… tim ảnh 1

Từ một đoạn chai cứng, tình trạng xơ vữa mạch máu lan dần theo thế domino. Bệnh cao huyết áp khi đó không mời cũng đến cho dù nạn nhân có ăn lạt, vận động, uống thuốc theo đúng lời khuyên của thầy thuốc!

Từ tai chạy tới tim

Nếu theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, âm thanh liên tục với cường độ khoảng 50 decibel, tương đương với tiếng động của một chiếc xe hơi chạy ngang con đường vắng, thừa sức gây mất ngủ, dị ứng… thì khỏi nói dông dài cũng hiểu tại sao ở xứ mình mạch máu thành tim dễ bị nghẽn nếu con đường ngay trước mặt lúc nào cũng inh ỏi tiếng kèn xe đủ các loại, với tiếng nhạc karaoke inh ỏi sáng chiều của nhà hàng xóm.

Có bịt mắt cũng thấy vấn nạn về tiếng ồn ở nước mình. Tổng hòa các loại tiếng còi xe, còi tàu, chuông điện thoại, nhạc quảng cáo… đã đẩy mạch máu thành tim vào thế “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Tức nước ắt có lúc vỡ bờ. Nếu mỗi năm cả chục ngàn người ở phương Tây - nơi hú còi ngoài đường là chuyện hiếm thấy - phải mất mạng vì nhồi máu cơ tim do tiếng động thì số nạn nhân ở xứ mình liệu phải nhân lên bao nhiêu lần?

Ai cũng biết trái tim là cơ quan nhạy cảm. Bằng chứng là nhà văn, nhà thơ… thường mượn “con tim” để ăn theo khi sáng tác. Tim vì thế cần kích ứng thần kinh. Nhưng chuyện gì cũng có giới hạn. Nếu “trái tai” hại tim thì “đinh tai” cũng hại không kém. Chuyện gì cũng có lý do, không có lửa dễ gì có khói. Ngày nào xứ mình còn ồn ào quá đỗi thì ngày đó bệnh viện tim mạch khó tránh khỏi tình trạng quá tải.

Bởi mới nói, muốn kết án phải tìm ra thủ phạm. Cớ sao lại hành tội… nạn nhân?

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Điều trị Oxy cao áp, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm