4 cây cầu sắt ở huyện Nhà Bè khi nào mới xây xong?

Tuyến đường Lê Văn Lương từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM) đến giáp ranh huyện Cần Giuộc (Long An) chỉ dài khoảng 7 km nhưng có bốn cây cầu sắt: Rạch Đĩa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi.

Dự án cầu Long Kiểng mới đã có từ 20 năm trước nhưng hiện mới chỉ xong phần kết cấu từ trụ T1 đến T8. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Bốn cây cầu này đều đã cũ, nhỏ, hẹp và đang xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc lưu thông của người dân khó khăn và hạn chế về giao thông hàng hóa đường bộ lẫn đường thủy do độ tĩnh không của cầu thấp.

Đã 20 năm chờ cây cầu mới

Theo ghi nhận của PV, trong bốn cây cầu trên có cây cầu tuổi thọ 50-60 năm, hiện tải trọng khai thác chỉ 1-5 tấn. Cầu Rạch Đĩa hiện tại chỉ rộng khoảng 3,3 m với trọng tải dưới 5 tấn nên liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Lương.

Ngoài ra, độ tĩnh không thông thuyền của các cây cầu không đảm bảo và đang xuống cấp từng ngày. Những thanh thép và hành lang lưới cầu đã gỉ sét, mặt nền cầu nhiều đoạn đã gãy, trụ cầu và bệ đỡ bê tông không còn chắc chắn.

Trước tình trạng trên, TP đã có chủ trương xây mới bốn cây cầu nhưng hiện nay dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Hai dự án xây mới cầu Rạch Đĩa và Long Kiểng mới đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cụ thể, dự án xây cầu Rạch Đĩa mới được mô tả dài 329 m, rộng 10,5 m, đường dẫn hai đầu cầu dài 196 m, tải trọng 30 tấn. Kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 700 tỉ đồng. Huyện Nhà Bè đang tiến hành các bước thẩm định và khảo sát lại đơn giá để trình duyệt.

Dự án cầu Long Kiểng được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 (tức là đã 20 năm) với tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu mới chỉ hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8. Với lý do chưa đủ mặt bằng để thi công nên nhà thầu tạm ngưng từ tháng 12-2019, còn chủ đầu tư thì cam kết sẽ hoàn thành trong vòng 18 tháng nếu có đủ mặt bằng.

Hai dự án còn lại là cầu Rạch Dơi và Rạch Tôm cũng đang được các sở, ngành xem xét về hướng tuyến và chủ trương đầu tư. Cầu Rạch Dơi (nối xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè với xã Long Hậu, huyện Long Hòa, Long An) mới dự kiến dài 418 m, rộng 15 m, có khoảng thông thuyền rộng 50 m, cao 6 m nhằm đảm bảo cho các loại tàu thuyền lớn lưu thông.

Ông Mai Thế Sơn, người sống gần cầu Long Kiểng, nói: “Bên hông thành cầu, nhiều ốc vít đã bị gỉ sét nên mỗi khi có xe lưu thông qua sẽ phát ra tiếng ầm ầm rất ghê. Kể từ ngày có thông tin xây cầu đã 20 năm nay chúng tôi chờ đợi cầu mới nhưng gần hai năm nay không thấy ai thi công nữa. Chúng tôi chỉ mong sớm có cây cầu mới để đi lại chứ cây cầu sắt này đã nửa thế kỷ nay không chịu nổi nữa”.

UBND huyện mong người dân phối hợp

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (gọi tắt là ban giao thông) cho biết huyện Nhà Bè với đặc thù nhiều kênh rạch nên việc phát triển giao thông cầu, đường là rất quan trọng. Hiện nay huyện còn nhiều cây cầu sắt bắc qua sông, kênh rạch đã xuống cấp không đáp ứng được tải trọng khai thác. Bốn cây cầu nói trên nằm trên con đường độc đạo để người dân các xã Nhơn Đức, Phước Kiển và huyện Cần Giuộc (Long An) di chuyển lên trung tâm TP.HCM, do đó phải nhanh chóng xây mới nhằm đáp ứng lưu thông liên vùng.

Vị đại diện nói: “Việc nâng cấp hệ thống cầu không chỉ giúp hỗ trợ phát triển giao thông đường bộ mà còn giúp kích thích phát triển kinh tế đường thủy. Riêng cầu Rạch Đĩa sẽ giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy nối kết cụm cảng Hiệp Phước với những tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Đại diện này cho biết thêm, để huyện Nhà Bè trở thành quận trong năm năm tới thì hạ tầng giao thông góp phần rất quan trọng. Sự đồng hành của chính quyền địa phương và người dân tại các dự án sẽ thúc đẩy cho dự án sớm đưa vào khai thác.

Trên địa bàn huyện Nhà Bè có 15 công trình giao thông trọng điểm đã và sắp triển khai, điển hình như hầm chui, cầu vượt Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (kết nối hai huyện Nhà Bè, Cần Giờ với các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ). Cạnh đó, khu đô thị cảng Hiệp Phước được kết nối giao thông với tuyến metro số 4 sẽ tạo bước đột phá phát triển đô thị mạnh mẽ trong tương lai.

Trong khi phía UBND huyện Nhà Bè cho biết riêng đối với cầu Long Kiểng, huyện đang chủ động thực hiện chỉ đạo của TP để sớm ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt chính sách, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từng hộ dân để sớm đưa dự án về đích. UBND huyện Nhà Bè mong được sự phối hợp, đồng thuận của các hộ dân để phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 12 cho chủ đầu tư.

Tháng 6-2023 thông xe hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Ban giao thông cho biết hai gói thầu (hầm chui HC1 và đường giao thông, hầm chui HC2 và trạm bơm) thuộc dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dự kiến thông xe vào tháng 6-2022 và năm 2023. Tổng số vốn đầu tư dự án là 830 tỉ đồng.

Nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (kết nối huyện Nhà Bè với các quận 7, 4 và 1) là đầu mối giao thông quan trọng với lưu lượng xe rất lớn. Đây là nút giao kết nối trung tâm TP với khu đô thị mới Nam Sài Gòn; kết nối khu công nghiệp, cảng dọc hệ thống sông Soài Rạp với tuyến đường vành đai 2. Đồng thời nút giao đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa ra vào cảng đi các địa bàn của TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm