Bình Chánh gỡ “nút thắt” cho đất trong quy hoạch dân cư xây mới

Mới đây, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã có văn bản gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để triển khai giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) ở trong khu quy hoạch có chức năng dân cư xây mới (DCXM). Đây sẽ là tin vui cho hàng chục ngàn hộ dân đang sống trong chức năng quy hoạch này.

Liên quan đến nội dung này, UBND TP.hcm đã nhiều lần chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát quy hoạch và các điều kiện liên quan để tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Mới nhất vào tháng 3-2021, Văn phòng UBND

TP có Thông báo 182 kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình về những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng đối với các khu vực quy hoạch có chức năng SDĐ hỗn hợp và DCXM. 
Trong Thông báo 182, TP giao các quận, huyện hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch chậm nhất đến cuối năm 2021 để giải quyết quyền, lợi ích chính đáng của người dân và làm cơ sở để cấp giấy phép xây dựng.  

Thí điểm trong vòng sáu tháng

Trước đó, vào tháng 11, Huyện ủy Bình Chánh đã có thông báo ý kiến kết luận của Ban thường vụ huyện ủy về các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện. Trong đó, Ban thường vụ Huyện ủy Bình Chánh đã đề nghị UBND huyện giải quyết nhiều nội dung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng hiệu quả đất đai.

Đáng chú ý là chủ trương thí điểm cho phép chuyển mục đích SDĐ ở trong khu vực quy hoạch có chức năng DCXM. Cụ thể, Huyện ủy Bình Chánh giao UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết chuyển mục đích SDĐ ở trong quy hoạch này trên cơ sở rà soát, thẩm định theo nhu cầu thực tế, phù hợp với quy hoạch, có đăng ký SDĐ, không có quyết định, thông báo thu hồi đất.

Biển cảnh báo của UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để người dân không xây dựng nhà trái phép trong quy hoạch. Ảnh: VIỆT HOA

Việc cho chuyển mục đích SDĐ phải đáp ứng các điều kiện: Nằm xen cài trong khu dân cư hiện hữu; tiếp giáp với khu dân cư hiện hữu, vừa có quy hoạch dân cư hiện hữu vừa có quy hoạch DCXM. Sau khi chuyển mục đích SDĐ thì được xem xét cấp giấy phép xây dựng theo quy định. “UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, thanh tra huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra thực tế, đảm bảo không bị lợi dụng, biến tướng dẫn đến sai phạm” - Huyện ủy  Bình Chánh chỉ đạo.

Thời gian thí điểm trong vòng sáu tháng kể từ ngày 11-11-2021. Cũng theo thông báo kết luận, sau thời gian thí điểm, huyện sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Đồng thời xem xét, xin ý kiến ban thường vụ huyện ủy về việc có tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới hay không.

Hơn 13.000 hộ dân bị ảnh hưởng quyền lợi về đất đai

Sau khi có thông báo kết luận của Ban thường vụ Huyện ủy Bình Chánh, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch huyện, cũng đã ký ban hành kế hoạch để thực hiện nội dung nêu trên.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, địa phương này có tổng cộng gần 15.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất DCXM. Theo đó, có gần 13.500 hộ dân đang sống trong quy hoạch này không được giải quyết cho chuyển mục đích SDĐ, tách thửa, cấp giấy phép xây dựng, dù bản chất vẫn là đất ở. Không chỉ ở Bình Chánh mà hiện nay ở tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức, người dân sống trong quy hoạch đất DCXM đều bị hạn chế quyền lợi hợp pháp về nhà, đất lâu nay và chưa được tháo gỡ.

Trong rất nhiều buổi làm việc của lãnh đạo TP với huyện Bình Chánh, địa phương này đã rất nhiều lần kiến nghị TP giải quyết vướng mắc, khó khăn này để tạo điều kiện cho người dân SDĐ hiệu quả. Mới đây, trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Chủ tịch huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cũng tiếp tục kiến nghị.

Ông Vượng cho rằng hiện nay các khu vực quy hoạch đất DCXM với quỹ đất lớn, lâu nay vẫn chưa có nhà đầu tư, chưa có quyết định hoặc thông báo thu hồi đất nhưng người dân vẫn không được giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến chuyển mục đích, tách thửa, cấp giấy phép xây dựng. Điều này đã gây bức xúc kéo dài, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như hiệu quả SDĐ. Ông Vượng kiến nghị cần giải quyết cho dân được chuyển mục đích SDĐ, cấp giấy phép xây dựng. Khi nào có nhà đầu tư thì triển khai thực hiện dự án theo quy định.•

TP.HCM kiến nghị đồng bộ các quy hoạch để tạo thuận lợi cho dân

Hiện nay, theo Luật Đất đai 2013, người SDĐ nằm trong quy hoạch đất ở nông thôn hoặc đất ở đô thị thì người SDĐ đăng ký vào kế hoạch SDĐ hằng năm và được chuyển mục đích SDĐ từ các loại đất khác không phải là đất ở sang đất ở.

Tuy nhiên, thực tế tại TP.HCM theo quy hoạch phân khu hay chi tiết xây dựng đô thị về đất ở có phân loại: Đất ở hiện hữu chỉnh trang, đất ở xây dựng mới, đất ở xây dựng dài hạn, ngắn hạn, đất ở hỗn hợp… Trong đó có đất ở xây dựng mới thuộc khu vực lập dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở khu vực dự kiến phát triển đô thị. Do đó, khi giải quyết chuyển mục đích SDĐ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị có quy định tích hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch SDĐ để đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch SDĐ hằng năm với các chỉ tiêu SDĐ được duyệt. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được chuyển mục đích SDĐ.

Báo cáo 211/2021 của UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm