Bộ GTVT nêu nguyên nhân cầu vượt Dầu Giây chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, về công trình xây dựng cầu vượt nút giao thông Dầu Giây, tại huyện Thống Nhất.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, hoàn thành từ năm 2015.

Để nâng cao khả năng thông xe và tạo điều kiện phát triển thị trấn Dầu Giây, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung hạng mục xây dựng mở rộng nút giao Dầu Giây.

Dự án cầu vượt Dầu Giây. Ảnh: Báo Đồng Nai

Theo đó, Bộ GTVT phê duyệt bổ sung hạng mục xây dựng mở rộng nút giao Dầu Giây nêu trên vào hợp đồng dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 405 tỉ đồng để nhà đầu tư triển khai xây dựng từ tháng 2-2017.

Thời gian qua, Bộ GTVT rất quyết liệt chỉ đạo và giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành đưa dự án vào khai thác, tuy nhiên hạng mục bổ sung nêu trên bị chậm tiến độ và phải gia hạn nhiều lần.

Nguyên nhân chậm tiến độ của dự án do địa phương chưa bàn giao mặt bằng. Đến ngày 11-8-2020 UBND tỉnh Đồng Nai mới bàn giao xong mặt bằng nút giao Dầu Giây cho nhà đầu tư thi công, làm tăng kinh phí giải phóng mặt bằng so với quyết định phê duyệt ban đầu khoảng 123 tỉ đồng.

Ngoài ra, ảnh hưởng đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020, đặc biệt là đợt bùng phát thứ tư, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng phủ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

“Đến nay, nhà đầu tư đã thi công đạt trên 82% khối lượng dự án. Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc và yêu cầu nhà đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực để hoàn thành đưa dự án vào khai thác trong quý I/2022…”- Bộ GTVT cho hay.

Dự án cầu vượt Dầu Giây tại điểm giao quốc lộ 1 - quốc lộ 20 - tỉnh lộ 769 (huyện Thống Nhất) do Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long làm chủ đầu tư.

Công trình gồm xây cầu vượt dọc theo quốc lộ 1, dài hơn 350 m, rộng 16 m, 4 làn xe. Phần nút giao được mở rộng hai bên quốc lộ 1 (dọc theo cầu vượt) có 4 làn xe. Mục tiêu của dự án là giải quyết “điểm đen” ùn tắc giao thông tại ngã tư.

Theo kế hoạch, một năm sau khởi công công trình sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên đến nay phần cầu chính mới hoàn thành được 80% khối lượng công việc. Các nhánh rẽ và mở rộng mặt đường ở hai quốc lộ cũng như các hệ thống phụ trợ khác vẫn chưa xong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm