Bỏ ra 130 tỉ đồng mua ô tô nhưng... đắp chiếu

Chiều 26-3, Bộ GTVT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về rà soát danh mục điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu khai mạc nói rằng có nhiều ĐKKD đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN kinh doanh vận tải. Tuy vậy, Bộ GTVT cũng đã cầu thị, lắng nghe ý kiến của VCCI, các hiệp hội và DN trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, kể ông từng làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về các ĐKKD trong lĩnh vực vận tải.

“Hôm tôi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng bảo: “Tôi thấy mỗi ông lên tivi. Còn những ông vận tải khác đâu? Phải động viên anh em phát biểu cho phong phú"” - ông Thanh kể.

Ông Nguyễn Văn Thanh: "Bộ GTVT chỉ cần bỏ hẳn 50% ĐKKD là đã rất tốt rồi". Ảnh: CHÂN LUẬN

Cũng vì vậy, ông Thanh nói sẽ phát biểu ngắn. Theo ông Thanh, Bộ trưởng Thể nói Bộ GTVT đặt mục tiêu cắt giảm 66% trong số 570 ĐKKD nhưng ông Thanh nói chỉ cần 50% là tốt lắm rồi.

“Có những điều kiện đưa ra không thực thi được, đưa ra chỉ để đưa ra” - ông Thanh nhận xét.

Thậm chí theo ông Thanh, có những DN bỏ ra 130 tỉ đồng mua ô tô nhưng rồi đắp chiếu để chờ các thủ tục chấp thuận cho vào bến, bãi. Rồi có những quy định đối với xe hợp đồng phải tích hợp số liệu, gửi về cho các sở GTVT địa phương. Ông Thanh nhận xét đây là những điều kiện gây khó khăn cho xe hợp đồng nhằm hạn chế việc lấn sân xe tuyến cố định.

“Xin thưa với các anh, các DN không thực hiện được hoặc thực hiện hết sức đối phó. Cơ quan nhà nước địa phương có tiếp nhận cũng để đó thôi, chả giải quyết được gì” - ông Thanh nói thẳng.

Sau khi đồng tình với việc cắt giảm ĐKKD của Bộ GTVT, chuyên gia Ngô Trí Long đề cập đến việc phải có cái nhìn cởi mở, tiếp nhận các tiến bộ của khoa học công nghệ trong kinh doanh, mà cụ thể ở đây là Uber, Grab.

Ông Ngô Trí Long cho rằng cần phải có những cái nhìn mở về Uber, Grab. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Long cho rằng đến nay vẫn có những tranh cãi về Uber, Grab là loại hình gì và có những định nghĩa không chuẩn. “Tư lệnh ngành mà nói về Uber, Grab không chuẩn thì rất không hay” - ông Long nói và nhấn mạnh rằng ông và các chuyên gia đã gửi nhiều văn bản về vấn đề này, nêu ra những giải pháp cụ thể.

Nhiều đại diện hiệp hội taxi đề cập đến việc Uber, Grab tăng giá không theo quy định, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng: “Không thể lấy cái quy định của taxi truyền thống để áp đặt. Bởi cơ chế điều hành giá của Uber, Grab là định giá động theo cung, cầu. Nếu cung lớn thì giá giảm, nếu cầu lớn thì giá tăng”.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - ông Phan Đức Hiếu thì khuyến nghị Bộ GTVT nên mạnh dạn bỏ hẳn các ĐKKD không cần thiết. Bởi nếu căn cứ vào một số phương án của Bộ GTVT thì nhiều ĐKKD chỉ là “chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác”.

Ông Phan Đức Hiếu khuyến nghị Bộ GTVT cần bãi bỏ hẳn những quy định không hợp lý chứ không chuyển các ĐKKD "từ trạng thái này sang trạng thái khác". Ảnh: CHÂN LUẬN

Tôi sẽ có kiến nghị cụ thể hơn. Nhưng tinh thần là phải đặt trọng tâm là bãi bỏ những ĐKKD không cần thiết” - ông Hiếu nói và nhấn mạnh không chỉ riêng Bộ GTVT mà các bộ đều cắt giảm ĐKKD theo kiểu cơ học, thiếu chủ thuyết.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, nói vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan và ngay trong Bộ GTVT về ĐKKD. Những ý kiến của các DN, chuyên gia sẽ được tiếp thu. Mặt khác, có nhiều ĐKKD không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT mà thuộc các bộ khác.

“Chẳng hạn, đồng hồ taxi thì thuộc Bộ KH&CN, tần số thì thuộc Bộ TT&TT. Bộ GTVT sẽ lắng nghe ý kiến các DN, chuyên gia và có ý kiến với các bộ liên quan” - bà Nga cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm