Bố trí lại cán bộ đường sắt sau nhiều tai nạn

Nhắc đến việc vận tải đường sắt xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thể thừa nhận ngoài hạ tầng giao thông đường sắt lạc hậu, việc quản lý nhà nước vẫn còn yếu kém.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sắp tới dự kiến sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh: V.LONG

Theo đó, người đứng đầu ngành giao thông cho biết sắp tới đơn vị dự kiến tái cơ cấu ngành đường sắt. Cụ thể, sẽ rà soát, điều chuyển, bố trí, sắp xếp lại cán bộ để nâng cao quản lý nhà nước về hoạt động này với mục tiêu duy trì hệ thống đường sắt hiện hữu.

“Dù hệ thống đường sắt hiện nay lạc hậu nhưng phải duy trì để phục vụ tốt nhân dân đi tàu. Bên cạnh đó, sẽ trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam…” - ông Thể nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thể cho biết qua những vụ tai nạn đường sắt vừa qua, nhân dân, Chính phủ, đặc biệt các đại biểu Quốc hội rất ủng hộ về mặt chủ trương đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Theo ông Thể, mặc dù đầu tư vào đường sắt có kinh phí rất lớn nhưng sẽ phân kỳ đầu tư từng giai đoạn…

"Mỗi nhiệm kỳ chúng ta cố gắng làm vài đoạn, như vậy sau nhiều nhiệm kỳ chúng ta có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam” - ông Thể nhấn mạnh.

Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ông Thể khẳng định dự án đã trải qua 10 năm nay và chắc chắn trong năm 2018 phải đưa dự án vào vận hành. “Không thể để dự án này kéo dài mãi” - ông Thể nói.

Đối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ công bố quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, sẽ mở rộng sân bay cả hướng Bắc và Nam. Trong đó, phía Bắc tập trung xây dựng cảng hàng hóa và các dịch vụ hậu cần hàng không…; phía Nam sẽ cải tạo nhà ga cũ, xây dựng nhà ga mới và các đường kết nối để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm vào năm 2025.

Theo Bộ GTVT, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: Từ nay đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa; trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như đoạn Hà Nội-Vinh, Nha Trang-Sài Gòn.

Giai đoạn 2: Từ năm 2020 đến 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu 160-200 km/giờ), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc-Nam theo khả năng huy động vốn.

Giai đoạn 3: Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc-Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới đây, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho biết giai đoạn 2020-2030, Việt Nam sẽ phải vận hành tàu tốc độ 200 km/giờ để làm quen kỹ thuật công nghệ, tổ chức chạy tàu; khi nâng lên tốc độ đến 350 km/giờ thì cần phải có hệ thống đi kèm về khai thác vận hành, nhân lực trình độ cao mới đảm bảo an toàn.

Hiện Bộ GTVT đang làm việc với các tỉnh để xác định hướng tuyến. Dự kiến Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm