Buýt sông: Đi chơi thì được, đừng mơ… đi làm!

“Mang tiếng buýt sông nhưng muốn đi phải đặt vé trước hoặc ngồi đợi mấy tiếng mới được đi. Buýt gì mà cả tiếng mới có một chuyến. Tôi thử đi từ bến Bạch Đằng tới Linh Đông, quận Thủ Đức rồi quay về tính ra mất bốn tiếng đồng hồ, chủ yếu là ngồi đợi tàu. Kiểu này sao tôi dám dùng buýt sông để đi làm, đành phải dùng xe máy như cũ thôi” - trưa 13-12, anh Nguyễn Văn Hội, ngụ quận 1, làm việc ở Thủ Đức, chán nản nói với chúng tôi khi vừa bước chân ra khỏi bến buýt sông Bạch Đằng.

Muốn đi phải đặt vé trước

Trong buổi sáng 13-12, theo ghi nhận của PV, rất nhiều người không mua được vé buýt sông để đi từ bến Bạch Đằng về bến Linh Đông. Theo nhân viên bán vé, hiện vé các chuyến buổi sáng đã bán hết, hành khách muốn đi thì phải đợi tới chuyến 14 giờ 30 hoặc có thể mua vé trước để đi những chuyến… sáng hôm sau.

Bà Vy Thị Tư bày tỏ: “Nhà tôi ở quận 2, vì muốn trải nghiệm buýt sông nên đón taxi xuống bến Bạch Đằng đi ngược về. Ai dè đến nơi thì nhân viên thông báo hết vé các chuyến đi buổi sáng. Giờ chỉ còn vé chuyến 14 giờ 30, nếu muốn đi thì mua vé bây giờ (9 giờ sáng) và… ngồi đợi. Thôi lỡ lần này tôi đi để hóng gió, chứ chắc không dám dùng buýt sông làm phương tiện đi lại vì lỡ dở công việc hết”.

Tương tự, anh Nguyễn Thương, 21 tuổi, Thủ Đức, tỏ ra thất vọng: “Nhà tôi ở Thủ Đức, đi học ở quận 8. Cứ nghĩ có buýt sông thì đi lại sẽ thuận tiện hơn nhưng 6 giờ 30 sáng tôi đã vào giờ học mà đến 7 giờ tàu mới chạy. Còn buổi chiều nếu ra bến không mua được vé thì chắc chắn sẽ trễ học vì quá ít chuyến tàu, không như xe buýt cứ ít phút có một chuyến. Để đảm bảo giờ học, tôi đành phải tiếp tục đi xe máy, xe buýt. Thực sự tôi nghĩ buýt sông phục vụ du lịch thì phù hợp hơn vì thời gian quay vòng lâu, số lượng vé, số lượng tàu… ít quá”.

Sáng 13-12, nhiều người mệt mỏi chờ 2-3 tiếng mới có thể đi được buýt sông. Nếu không muốn chờ, họ phải mua vé từ… hôm trước! Ảnh: HƯƠNG TRANG

Chưa thể tăng ngay số lượng tàu

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án buýt đường sông), khẳng định tất cả vấn đề nêu trên đã nằm trong tính toán của chủ đầu tư. “Buýt đường sông để phục vụ đi lại chứ không phải phục vụ du lịch. Hiện buýt sông còn mới mẻ nên nhiều người muốn tham gia trải nghiệm nên mới có tình trạng như vậy. Sau một thời gian, người dân sẽ quen dần và tôi tin những người đi thường xuyên sẽ lựa chọn buýt sông cho lộ trình của mình”.

Do tuyến buýt đường sông mới đưa vào khai thác nên nhu cầu trải nghiệm của người dân cao hơn nhiều lần khả năng cung cấp của chủ đầu tư. Sở GTVT và chủ đầu tư cần có thời gian theo dõi, đánh giá nhu cầu thực sự của khách hàng. Đồng thời, phải tính toán lại khả năng tài chính của chủ đầu tư chứ không thể tăng số lượng tàu lên ngay được.

Ông PHAN CÔNG BẰNG, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT TP.HCM

Tôi mới đi từ bến Thanh Đa xuống Bạch Đằng nhưng để có chuyến đi này tôi phải đi tới đặt vé trước một ngày. Ban đầu tôi có ý định cho con đi buýt sông để học Anh văn tuần ba ngày nhưng vì thời gian không đảm bảo nên tôi đi xe máy cho rồi. Ngoài ra, nếu sử dụng buýt sông mỗi ngày để đi và về, mỗi tháng tôi mất khoảng 900.000 đồng. Còn nếu đi xe buýt thì chỉ mất 135.000 đồng/tập 30 vé, xe buýt lại nhiều hơn và cũng rất dễ bắt xe.

Chị NGÔ NGỌC MAI, ngụ Bình Quới, Thanh Đa 

Theo thống kê của Công ty Thường Nhật, thời gian qua trung bình mỗi ngày buýt sông phục vụ gần 1.000 khách. Lượng hành khách thực tế muốn đi trải nghiệm buýt sông còn lớn hơn nhiều nhưng công ty chưa thể đáp ứng. Đa phần người dân đi thử một lần cho biết, còn lượng khách đi theo lộ trình tuyến thường xuyên để đi làm, công tác thay cho phương tiện đường bộ vẫn chưa nhiều. Vì vậy, cần phải có thời gian để đánh giá xem lượng khách hàng thực thụ của buýt sông là bao nhiêu, từ đó bố trí thời gian, số lượng vé, số lượng tàu cho phù hợp.

Lý giải việc hành khách phải đợi hơn ba tiếng mới có thể quay đầu ở bến Linh Đông, ông Toản cho biết đó là do buýt sông phải chạy theo lịch trình đã lên trước. Ông Toản đề nghị hành khách muốn đi buýt sông phải tìm hiểu lộ trình trước để thuận tiện cho công việc.

“Cũng có nhiều ý kiến cho rằng buýt sông nên có thêm một số vị trí đứng như xe buýt nhằm tăng lượt khách hàng. Tuy nhiên, tàu chỉ được đăng kiểm 75 ghế nên phải chở đúng quy định. Hiện chúng tôi lấy tiêu chí an toàn là hàng đầu, sau đó mới tính đến các yếu tố khác” - ông Toản khẳng định.

Tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) có chiều dài 10,8 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông, Thủ Đức. Sau 10 ngày miễn phí, từ ngày 5-12 chủ đầu tư bắt đầu bán vé 15.000 đồng/người, hành trình mỗi chuyến khoảng một giờ qua năm điểm đón trả khách. Theo kế hoạch, toàn tuyến có năm tàu, mỗi tàu chở tối đa 75 hành khách. Nhưng hiện chỉ mới đưa vào hoạt động ba tàu, trong đó có hai chiếc chạy thường xuyên, một chiếc dự phòng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm