Cần nghiên cứu giải pháp “cứu” taxi Mai Linh

Theo đó, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng Tập đoàn Mai Linh là đơn vị sử dụng số lượng lớn người lao động và có đóng góp nhiều trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động (đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp) và hiện đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính.

Năm 2017, Mai Linh áp dụng công nghệ để cạnh tranh với Uber, Grab.

Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/2017 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết có nội dung “giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp” và Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần “chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”.

Trước khó khăn của doanh nghiệp và chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35, Ủy ban Các vấn đề xã hội thấy rằng đề xuất của Tập đoàn Mai Linh cần được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ càng, thấu đáo để có giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Mai Linh trong giai đoạn này.

"Vì vậy, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chuyển đơn cho Bộ Tài Chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét".

Như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh vừa có văn bản “cầu cứu” Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của công ty.

Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho biết do bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với mức lãi suất cho vay khá cao trong thời gian vừa qua, Mai Linh đã tìm giải pháp huy động mọi nguồn lực để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.

“Tuy nhiên, hiện nay Mai Linh cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của Uber, Grab. Cụ thể là điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab không công bằng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch hoạt động của công ty. Doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab…” - lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh thừa nhận.

Thời gian qua, lãnh đạo công ty đã rất nỗ lực nhằm đảm bảo cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, công ty chưa đảm bảo được tài chính để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hằng ngày. Mai Linh khẳng định nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì thời gian tới đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.

Theo Mai Linh, số liệu thống kê trên toàn hệ thống Công ty Mai Linh, tính đến 31-10-2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 180 tỉ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỉ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỉ đồng.

Đứng trước nguy cơ hàng vạn lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai Linh đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết những khó khăn thực sự cấp bách trước mắt để công ty duy trì, phát triển lâu dài.

Cụ thể, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỉ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 tháng từ năm 2018, mỗi năm 6 tỉ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.

“Trong quá trình trả nợ gốc Mai Linh mong Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho 24.000 lao động” - đơn vị này kiến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm